(GLO)- Đóng quân trên điểm cao 895 mét so với mực nước biển, quanh năm phải đối diện với khí hậu khắc nghiệt, song nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đài quan sát phòng không (Tiểu đoàn Phòng không 16, Sư đoàn 320) luôn vững vàng tay súng bảo vệ vùng trời, vùng đất thân yêu.
Chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên Đài quan sát. Ảnh: P.D |
Cách TP. Pleiku chưa đầy 20 km, nhưng ở khu vực điểm cao 895, mọi thứ dường như hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Bỏ lại xe máy dưới chân núi, chúng tôi bắt đầu hành trình “chinh phục” điểm cao. Người đồng hành cùng chúng tôi là Thượng úy Trần Ngọc Minh-nguyên Đài trưởng Đài quan sát và Thiếu tá Đinh Ngọc Tới-Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 320. Theo lời giới thiệu của Thượng úy Minh, để lên Đài quan sát phải vượt con đường “độc đạo” là 1 km dốc núi.
“Hơn 1 km có hề hấn gì!”-ai đó lên tiếng. Nhưng mới leo được vài trăm mét, cung đường zích zắc đã khiến vài người trong chúng tôi cảm thấy “chùn chân mỏi gối”. Phải mất hơn nửa giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi mới đặt chân lên điểm cao 895 mét, nằm ở phía sườn Đông núi lở thuộc địa phận xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Đón chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, Thượng úy Nguyễn Đức Toàn-Đài trưởng Đài quan sát, người có nhiều năm gắn bó với nơi này, xởi lởi: “Hơn 10 năm qua, đây là lần đầu tiên có nữ nhà báo lên thăm anh em đấy!”. Rồi Thượng úy Toàn cho hay, Đài quan sát thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ và được coi là “con mắt sáng” của Tiểu đoàn Phòng không 16. Nhiệm vụ của anh em là quan sát bầu trời, mặt đất, tình hình cháy rừng trong phạm vi quản lý, kịp thời thông báo về đơn vị để có hướng xử lý. Cán bộ, chiến sĩ trên Đài cứ một tháng luân phiên một lần. Bản thân Thượng úy Toàn suốt 15 năm qua, năm nào anh cũng gắn bó với Đài quan sát 3-4 tháng.
Ngước mắt nhìn lên bầu trời, Thượng úy Toàn nói: “Ở trên Đài quan sát riết cũng thành quen. Lắm lúc “hạ sơn” rồi nhưng theo thói quen cứ nghe tiếng động lại ngước mắt nhìn lên. Ở trên điểm cao này, nhiều lúc cảm giác như với tay là có thể chạm tới mây. Song cũng có những ngày mưa to, gió lớn kèm theo sấm sét, giông gió rất nguy hiểm”. Đóng quân ở điểm cao nên việc đi lại, sinh hoạt của người lính gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, do địa hình dốc, đơn vị không thể dẫn nước lên trên Đài quan sát nên mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ đều phải luân phiên xuống núi để tắm giặt, tiếp nhận lương thực-thực phẩm và cõng nước lên để sinh hoạt, tăng gia sản xuất. Chiến sĩ Đỗ Đức Trung chia sẻ: “Ban đầu, việc lên xuống điểm cao mỗi ngày là thử thách lớn đối với tụi em. Nhưng đã là người lính thì khó khăn nào cũng phải vượt qua. Giờ đây, vác hàng trăm lít nước từ khe suối cạn dưới chân điểm cao lên Đài quan sát mỗi ngày, tụi em coi như mình đang tập thể dục”.
Sống và làm việc trong một không gian cách biệt, dù vậy, những người lính phòng không trên Đài quan sát vẫn luôn duy trì tốt mọi chế độ trong ngày, trong tuần và nỗ lực xây dựng một môi trường sống “xanh-sạch-đẹp”. Nguồn nước sinh hoạt luôn được anh em tiết kiệm triệt để nhằm tăng gia sản xuất. Vào mùa mưa, đơn vị thường chọn những khoảng đất trống, bằng phẳng, không sỏi đá để trồng rau xanh. Còn mùa khô, do khí hậu nắng nóng, lượng nước hạn chế nên thay vì làm đất trồng rau, đơn vị lại trồng rau xanh trong các thùng xốp. Dẫn chúng tôi ra tham quan vườn rau, Thượng úy Trần Ngọc Minh tự hào: “Anh em trên Đài quan sát có thể tự cung cấp đủ rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Mùa nào có rau đó, từ mùng tơi, rau lang, khoai sọ cho đến bầu, mướp...”. Ngoài rau xanh, anh em còn trồng thêm cây chè xanh, vài chục gốc cây ăn trái và một vài loại hoa để làm xanh-đẹp thêm không gian sống. Đặc biệt, đầu năm 2016, những người lính trên Đài quan sát còn “đón” 5 chú heo từ dưới núi lên nuôi để sáng, chiều nghe tiếng ủn ỉn cho không gian bớt tĩnh lặng.
Chính vì suốt ngày làm bạn với mây trời, nắng gió… nên hơn ai hết, những người lính nơi đây luôn cảm thấy trân quý tình cảm đồng chí, đồng đội. Nói như chiến sĩ Đỗ Đức Trung “ở trên này không đông vui như ở Tiểu đoàn nhưng bù lại tụi em rất hiểu nhau, chỉ cần một ai đó có tâm sự thì những người còn lại đều chia sẻ, động viên. Đặc biệt, Đài trưởng Toàn rất quan tâm đến chiến sĩ, luôn coi tụi em như người em trong nhà, hướng dẫn, chỉ bảo rất nhiều điều. Nhờ vậy, tụi em cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà…”.
Phương Dung