Kinh tế

Trên vùng đất cây ngò gai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như một “rốn chảo” giữa muôn trùng núi. Dù đã được đầu tư khá nhiều tiền của: Đường ô tô, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Song đời sống của người dân xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn còn khá hoang sơ, sản xuất lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới lên đến 93,6%-nghèo nhất tỉnh.
Đời sống hoang sơ
Đưa chúng tôi dạo quanh địa bàn, anh Từ Việt Cường- cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã cho hay: “Vùng đất này còn hoang sơ lắm, đến cả cây ngò gai mọc khắp nơi mà cũng chẳng ai thèm hái. Bao quanh địa bàn xã là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vườn Quốc gia Kông Ka King lâm sản dồi dào. Cứ xong việc đồng áng, người dân lại lên rừng tìm kiếm lâm sản. Mùa mưa, thì đi hái măng, tìm cây kim tuyến; đến mùa nắng lại đi bẻ đót, đào sâm đá… Tất cả những lâm sản này đều có thể bán lấy tiền hoặc đổi gạo, đổi cá khô… Những người không lên rừng thì lại đi bắt ốc, mò cua, đánh cá…”.
Ruộng ở Kon Pne. Ảnh: B.H
Xã Kon Pne được quy hoạch tái định cư năm 2004 với 366 hộ người dân tộc Bahnar được chia làm 3 làng tách biệt: Kon Hlanh, Kon Ktonh và Kon Kring chạy dọc theo triền núi. Ban ngày, hầu hết nhà nào cũng “cửa đóng then cài”. Từ thanh niên cho đến những người lớn tuổi đều ra nhà đầm. Ngay cả những em bé, những em học sinh sau giờ đến trường rồi cũng phải ra nhà đầm để ăn uống, sinh hoạt…
Theo giải thích của ông Đinh A Liêu-nguyên Chủ tịch UBND xã Kon Pne: “Trước kia, người dân Kon Pne chỉ biết làm nương rẫy ở những đồi núi cao. Vì đi lại khó khăn, vài ba gia đình có rẫy gần nhau cùng làm một căn nhà tại rẫy gọi là nhà đầm để cùng ở lại trong những ngày mùa hoặc những ngày đi săn bắn thú rừng. Đến khoảng năm 2004, người dân chuyển sang làm ruộng thì mỗi hộ lại dựng một căn nhà ngay tại ruộng. Mọi sinh hoạt của người dân phần lớn là ở nhà ruộng, còn nhà chính chỉ để cho thanh niên, trẻ nhỏ tối về xem tivi”.
Định cư trên vùng đất tương đối bằng phẳng, giao thông đi lại thuận lợi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, sóng truyền hình, trường học, trạm y tế… được đáp ứng đầy đủ, thế nhưng người dân vẫn không quên những tập quán sinh hoạt cũ. Nhà đầm, nhà ruộng vẫn là nơi gắn bó với mọi sinh hoạt hàng ngày. Làng cũ vẫn được giữ nguyên để nuôi heo, gà thả rong. Tất cả các lễ hội truyền thống đều được tổ chức nơi làng cũ mặc dù nơi định cư mới đã có nhà rông hẳn hoi. Trâu, bò vẫn chưa một lần được người dân sử dụng làm sức kéo, máy cày, máy tuốt lúa, những kỹ thuật canh tác được Nhà nước đầu tư vẫn chưa được người dân áp dụng vào sản xuất… Có thể nói, người dân Kon Pne ngày nay vẫn chưa thoát khỏi những lối sống lạc hậu mà bao đời ông cha họ để lai.
Trăn trở việc sạ lúa
Đứng trên triền núi nơi làng Kon Ktonh cũ nhìn bao quát, ruộng đồng Kon Pne mênh mông “thẳng cánh cò bay”. Hàng trăm ngôi nhà đầm trải dọc theo mép ruộng, bờ sông. Hàng chục căn nhà lúa, nhà kho đứng lấp ló nơi triền núi. Dòng sông Pne uốn lượn theo cánh đồng thừa sức cung ứng nước tưới cho vài trăm ha ruộng lúa. Vậy mà… người dân nơi đây vẫn chưa thoát được cảnh nghèo? Tỷ lệ hộ nghèo ở xã này lên đến 93,6%-nghèo nhất tỉnh.
Mới về nhận công tác được vài tháng, ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: “Đất đai vùng này rất tốt. Quỹ đất trồng lúa nước còn khá lớn. Thế nhưng, để người dân nắm bắt và làm theo phương thức canh tác khoa học thì rất khó. Đã có rất nhiều mô hình trình diễn trồng lúa nước thí điểm được thực hiện nhưng người dân vẫn không áp dụng”.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ruộng (còn gọi là nhà đầm) của chị Đinh Y Hap-làng Kon Hring. Trong căn nhà sàn truyền thống tuềnh toàng trên khoảnh ruộng giáp với bìa rừng, ngoài những vật dụng sinh hoạt cần thiết hàng ngày của gia đình thì 3 bao lúa dựng ở góc nhà là tài sản quý giá nhất.
Chồng bị bệnh mất sớm, một mình chị Y Hap quanh năm sống ở nhà đầm để làm ruộng kiếm gạo nuôi con. Cũng như nhiều hộ dân trong xã, chiếc máy tuốt lúa được Nhà nước cấp cho gia đình vài năm nay vẫn chưa một lần sử dụng, bởi việc thu hoạch lúa của người dân nơi này vẫn theo lối cũ-tuốt bằng tay rồi cho vào chiếc gùi trên lưng. Hai sào ruộng trước nhà vẫn phải “còng lưng” cuốc, lật từng thớ đất rồi dùng chân giẫm đạp. Những hộ có trâu thì sau khi cuốc xong lại thả trâu xuống đạp cho nhuyễn đất…
Trăn trở, dằn vặt với những cách làm lạc hậu này, ông Trương Văn Tư quyết định tổ chức lại đội ngũ cán bộ chuyên trách; tuyển dụng kỹ sư chuyên làm công tác nông nghiệp-khuyến nông; tổ chức nhiều đợt hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ lúa cho nông dân…
“Lần đầu tiên đã có vài hộ áp dụng việc sạ lúa trong vụ Đông Xuân, chúng tôi sẽ cử cán bộ hỗ trợ các hộ này chăm sóc lúa đúng kỹ thuật. Sắp tới, sẽ vận động và hỗ trợ kỹ thuật cho số cán bộ là người địa phương thực hiện để người dân học hỏi mà làm theo”-ông Tư khoe với chúng tôi.
Tiến Thành

Có thể bạn quan tâm