Kinh tế

Tài chính

Trị những "gã khổng lồ" né thuế: Cần tăng cường giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm trở lại đây thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới được đề cập nhưng số thu còn thấp và chủ yếu thực hiện “truy vết” là chính. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh văn phòng, Tổng cục Thuế cho rằng đơn vị cũng rất quyết liệt trong việc này. Theo ông Huy, cơ chế chính sách đã có, bây giờ thủ tục để thực hiện thu. Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cơ quan quản lý nhà nước phải cần tăng cường giám sát.

Netflix đang thu hàng trăm tỉ đồng/năm tại Việt Nam. Ảnh: An Phú
Netflix đang thu hàng trăm tỉ đồng/năm tại Việt Nam. Ảnh: An Phú


Doanh thu “khủng”, không đóng thuế

Thời gian gần đây các cơ quan báo chí đăng tải các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế, cũng như văn phòng đại diện và việc đặt máy chủ tại địa phương của Netflix. Người phát ngôn tại Netflix cho rằng: “Chính phủ có toàn quyền quyết định về chính sách thuế và ở tất cả các quốc gia mà chúng tôi hoạt động, Netflix luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành”.

Theo người phát ngôn của Netflix, tại những quốc gia nơi Netflix không mở văn phòng thì Netflix vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển, hoàn thành nghĩa vụ thuế và bảo vệ quyền lợi cho người dùng thông qua hình thức đăng ký từ xa. Cho đến thời điểm hiện tại, một cơ chế như thế vẫn chưa hiện hữu, song nó cần được sớm triển khai trong tương lai gần, Netflix đang thảo luận với các nhà chức trách về hướng giải quyết tốt nhất cho tất cả các bên.

Netflix là dịch vụ xem phim trên mạng của Mỹ đã có mặt tại 130 nước trên thế giới. Netflix cho người dùng đăng ký dịch vụ online và chỉ chấp nhận thanh toán bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, MasterCard, American Express. Như vậy số tiền đơn vị này thu được sẽ hoàn toàn đi khỏi Việt Nam mà không ai có thể chặn lại.

Theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỉ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng ký sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.

Vào cuối tháng 7.2020, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới. Cơ quan này cho biết, do không bị ràng buộc về các quy định, đóng thuế... đã khiến các thương hiệu ngoại quốc chiếm hơn 50% thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường truyền hình trả tiền. Ngoài việc chiếm thị phần và khách hàng, những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV... còn không chịu sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng.

Đã có cơ chế để thu thuế

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra, Tổng cục Thuế - cho biết, chính sách Việt Nam đã có rồi và thực tế các doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế thông qua một đại diện tại Việt Nam. Thông qua đó, tổ chức phía Việt Nam sẽ nộp thuế phần thu nhập mà tổ chức nước ngoài nhận được ở Việt Nam.

Cũng theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải có lưu trữ dữ liệu tại đây, có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.

Còn trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - nói rằng, thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan (các ngân hàng thương mại…) kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…).

Theo ông Huy, quy định của luật quản lý thuế số 38 mới thì mọi cá nhân, tổ chức có thu nhập nhận được từ Việt Nam phải nộp thuế. Trong đó quy định các công ty đa quốc gia mà không có chi nhánh tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm ủy quyền cho đơn vị nào đó để khai và nộp thuế với mình.

“Với Netflix thì mới đây đã họp bàn về họ cũng đã đồng ý để nộp thuế. Họ đang xem xét phương án để ủy quyền cho bên nào rồi mới thông tin cho Tổng cục Thuế”, ông Huy nói và cho biết thêm cơ chế chính sách đã đầy đủ, bây giờ là việc thực hiện thủ tục.

Cũng theo vị này, không chỉ riêng Netflix mà nguồn tiền họ nhận được từ Việt Nam chuyển đi và nguồn tiền từ các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài chuyển về. Phía Tổng cục Thuế đã thông tin với các ngân hàng và đã chuyển danh sách đó để cho cơ quan thuế mời các cơ quan, cá nhân để kê khai nộp thuế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải cần tăng cường giám sát một cách chặt chẽ. Ông Thịnh cho rằng, ở đây họ kinh doanh thu tiền hẳn hoi, hoặc trả tiền mà không thống kê, nắm bắt được thì rõ ràng là bất ổn.

 


Trong 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cũng xác định các tổ chức, cá nhân có doanh thu tổng cộng hơn 5.000 tỉ đồng từ cho thuê nhà qua các ứng dụng như Booking, Agoda, Airbnb nhưng số tiền thuế thu về chỉ hơn 93 tỉ đồng.


https://laodong.vn/kinh-te/tri-nhung-ga-khong-lo-ne-thue-can-tang-cuong-giam-sat-851105.ldo

Theo CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm