Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Triển khai nhiệm vụ Khoa học-Công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội nghị là dịp để đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022, cũng như triển khai các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ về đổi mới sáng tạo ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.

Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2022, cũng như trao đổi, thảo luận giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023

Hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Năm 2022 hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Đây là động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật khoa học công nghệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử.

Việc tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực.

Bộ đã xây dựng cơ chế quản lý nhiệm vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi, khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền, thiết bị đã qua sử dụng; trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ; thu hút, trọng dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ tri thức,...

Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ khẳng định vị thế trong “tam giác vàng" khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022.

Năm 2022, Bộ đã ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.

Bộ cùng các đối tác đã xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam.

Những nhiệm vụ trọng tâm 2023

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.


 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+


"Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo, hôm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại Hội nghị hôm nay, Bộ rất mong nhận được góp ý, tham luận của các quý vị đại biểu, chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ để Bộ Khoa học và Công nghệ  tiếp tục xây dựng các định hướng, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cụ thể cho thời gian tới."

Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Bộ cũng sẽ sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học công nghệ công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).

Trong năm 2023, Bộ sẽ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân;

Trọng tâm năm 2023 của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo Minh Sơn (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm