(GLO)- Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng khiến năng suất giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Trước thực tế đó, Hội Nông dân huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) xây dựng thí điểm mô hình canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Sau khi được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện tham quan mô hình trồng cà phê đa thân không hãm ngọn tại xã Gào (TP. Pleiku), cuối năm 2020, ông Lê Văn Minh (thôn Nhơn Thọ, xã Đak Ta Ley) bắt đầu áp dụng trên diện tích cà phê già cỗi của gia đình. Ông Minh cho biết: “Tôi áp dụng vào vườn cà phê của gia đình bằng 2 cách, đó là trồng mới 5 sào, còn lại 1,2 ha thì cắt thân để cây ra chồi mới. Cùng với đó, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cà phê”.
Cũng theo ông Minh, đối với diện tích trồng mới, mỗi cây cà phê được tạo hình ngay từ nhỏ để duy trì 2-3 thân. Còn diện tích cà phê có sẵn thì để cây ra chồi mới và duy trì 6 thân. Như vậy, cây sẽ ra hoa, đậu quả trên cành cấp 1 và phân theo từng tầng tán. Đến khi thu hoạch sẽ cắt bỏ những cành đã cho quả, không cần lo việc giữ cành, tạo tán cho năm sau. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông Minh thu được 3,5 tấn cà phê nhân/1,2 ha. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm mô hình canh tác cà phê theo hướng đa thân trên diện tích đó, sản lượng năm nay ước đạt 5 tấn. “Canh tác theo cách mới này cho sản lượng cao, trong khi công lao động, chi phí phân bón đều giảm”-ông Minh chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Tấn Đức (cùng thôn) thì cho hay: Cách đây 2 năm, ông đã áp dụng cách trồng cà phê đa thân không hãm ngọn trên 1 ha cà phê của gia đình. Cách làm mới này không chỉ tiết giảm chi phí phân bón, công chăm sóc mà còn cho năng suất cao. Vụ này, gia đình dự kiến thu hơn 4,5 tấn cà phê nhân/ha, cao 1,5 lần so với trước đây.
Mô hình canh tác cà phê theo hướng đa thân không hãm ngọn của gia đình ông Lê Văn Minh (thôn Nhơn Thọ, xã Đak Ta Ley) cho năng suất cao. Ảnh: Ngọc Sang |
Mô hình canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn được Hội Nông dân huyện Mang Yang triển khai thí điểm tại xã Đak Ta Ley vào cuối năm 2020 trên diện tích 8 ha với 5 hộ tham gia. Trong đó, 5 ha thí điểm trên diện tích cà phê đơn thân có sẵn và 3 ha trồng mới. Diện tích trồng mới đang phát triển tốt. Riêng 5 ha thí điểm hiện bước vào vụ thu hoạch, năng suất có thể cao gấp 1,5 lần so với trước.
Nhận xét về hiệu quả của mô hình canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn, bà Hường Thị Thu Đào-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Ta Ley-cho biết: “Việc sản xuất theo cách mới có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp nông dân khai thác tối đa năng suất mà cây cà phê đem lại. Đối với những diện tích trồng mới, số lượng cây tăng gấp đôi, trong khi lại giảm công chăm sóc, làm cỏ, tưới nước cũng như vật tư nông nghiệp so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh của cây cà phê đa thân rất thấp do hệ rễ phát triển tốt, trong khi hệ cành có đầy đủ ánh sáng nên các vi sinh vật có hại cho cây trồng không có điều kiện phát triển. Thấy hiệu quả của mô hình, hơn 10 hộ trong xã dự kiến năm 2023 sẽ chuyển qua phương thức này với diện tích 20 ha, trong đó có 15 ha trên diện tích cà phê đơn thân có sẵn và 5 ha trồng mới”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Hải-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang-cho biết: Để giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, Hội Nông dân huyện đã tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trồng cà phê đa thân không hãm ngọn ở một số địa phương cho một số hộ nông dân sản xuất giỏi. Đồng thời, Hội Nông dân huyện hỗ trợ các hộ dân tại xã Đak Ta Ley trồng điểm mô hình cà phê đa thân không hãm ngọn. Đến nay, toàn bộ diện tích chuyển đổi đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân chuyển dần sang phương thức canh tác mới nhằm cải tạo diện tích cà phê già cỗi. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”-ông Hải thông tin.
NGỌC SANG