Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc liên kết trồng rừng gỗ lớn có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Khoan giếng lấy nước trồng rừng

Tháng 8-2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn (huyện Chư Pưh) giao hơn 60 ha đất lâm nghiệp cho 10 hộ ở xã Ia Blứ liên kết đầu tư trồng thí điểm cây keo lai theo hướng rừng gỗ lớn với chu kỳ 8-10 năm mới khai thác. Diện tích này trước đây địa phương giao khoán cho người dân trồng cao su để hưởng lợi, nhưng do không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng dẫn đến cây chết dần.

Khoan giếng lấy nước trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn
Khoan giếng lấy nước trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn


Để cây keo lai phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các hộ đã khoan 2 giếng sâu gần 100 m phục vụ bơm tưới những khu vực khô cằn. Bên cạnh đó, các hộ trồng theo quy chuẩn hàng cách hàng, cây cách cây 3-4 m để có thể áp dụng cơ giới hóa trong phát dọn thực bì, tỉa cành, chữa cháy… Sau khi trồng, toàn bộ diện tích rừng keo được 1 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá 4,7 triệu đồng/m3.

Ông Nguyễn Hữu Điệp (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, vận động, chúng tôi nhận đất về đầu tư trồng keo lai. Trước khi trồng, tôi đi tham quan, học tập mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Nghệ An. Sau gần 8 tháng xuống giống, tỷ lệ cây sống đạt gần 100% và phát triển tốt. Vào mùa khô, chúng tôi bơm nước tưới cho những diện tích khô cằn, tập trung xử lý thực bì và tạo tán cho cây phát triển ổn định”.

Tương tự, ông Mai Xuân Thông (cùng thôn) cho hay: “Khu vực này trước đây trồng cao su nhưng do thời tiết khắc nghiệt nên cây bị bệnh chết. Vì vậy, chúng tôi cùng hợp sức đầu tư trồng thử nghiệm rừng gỗ lớn. Vườn cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác”.

Còn ông Nguyễn Đức Trọng-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn thì thông tin: Việc các hộ dân cùng nhau liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn phù hợp với chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững của địa phương. Để hỗ trợ người dân, đơn vị thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.

Nhiều triển vọng

Mô hình trồng rừng gỗ lớn theo hướng liên kết của 10 hộ dân xã Ia Blứ đang được kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới trong những năm tới. Theo tính toán của các hộ dân, chi phí đầu tư trồng 1 ha rừng loại này khoảng 30-40 triệu đồng, thấp hơn so với các loại cây công nghiệp khác. Ước tính mỗi héc ta đến chu kỳ thu hoạch đạt 400-500 m3. Với giá thu mua đã ký kết thì người trồng rừng sẽ có nguồn thu nhập khá.

 Chăm sóc rừng keo lai gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chăm sóc rừng keo lai gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Diệp


Bà Nguyễn Thị Hiền (thôn 6, xã Ia Le) cho biết: “Tôi có gần 16 ha đất trước đây trồng cao su và điều nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Qua tìm hiểu, tôi thấy mô hình trồng keo lai ở khu vực này phát triển khá tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp hơn các loại cây trồng khác. Vì vậy, gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng keo lai. Hiện tại, tôi đã đặt cây giống, chỉ chờ mưa xuống sẽ trồng”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Năm 2020, UBND huyện giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn trồng thí điểm cây keo lai và keo Úc theo hướng rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng đang phát triển tốt. Việc được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm là tín hiệu lạc quan cho người dân nơi đây. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân các xã học tập, nhân rộng.

 

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm