Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Triều Tiên phản đối đối thoại quốc phòng chung Hàn Quốc-Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Triều Tiên ngày 8/8 chỉ trích Hàn Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố Panmunjom và làm ảnh hưởng đến không khí hòa giải ở vùng biên giới giữa hai nước trong một động thái phản đối cuộc Đối thoại Quốc phòng chung Hàn Quốc-Mỹ (KIDD) lần thứ 14 diễn ra tại thủ đô Seoul cuối tháng 7 vừa qua.

 Thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Hàn Quốc Yeo Suk-joo (phải) và quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Roberta Shea (trái) tại cuộc đối thoại ở Seoul, ngày 26/7. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)
Thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Hàn Quốc Yeo Suk-joo (phải) và quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Roberta Shea (trái) tại cuộc đối thoại ở Seoul, ngày 26/7. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)


Báo Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, nhận định cuộc họp trên cũng như kế hoạch cải cách quân đội của Seoul là hành động gây hấn quân sự, "đi ngược lại xu hướng đối thoại, hòa bình và cải thiện quan hệ liên Triều".

Tờ báo cho rằng các hành động này mâu thuẫn với tình dân tộc đã "tạo ra những nỗ lực chân thành vì hòa bình và giảm căng thẳng" và xung đột trực tiếp với tinh thần của Tuyên bố Panmunjom, thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.

Trước đó, trong cuộc gặp cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi "cụ thể, có thể kiểm chứng" hướng tới phi hạt nhân hóa. Hai bên cũng đã chia sẻ quan điểm về việc cần tiếp tục tìm cách xây dựng lòng tin với Triều Tiên, chừng nào Bình Nhưỡng duy trì đối thoại "thiện chí".

Trong khi đó, các biện pháp cải tổ quân đội của Hàn Quốc công bố tháng trước được cho là nhằm đối phó tốt hơn với những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã khởi sắc kể từ sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng 4 trong khi đó, Washington và Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành các phiên họp về việc giải trừ các vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước đưa ra hồi tháng 6.

Tuy nhiên, gần đây, Washington thông báo nước này đang gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời yêu cầu duy trì các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Về phần mình, Triều Tiên yêu cầu Mỹ trước hết đồng ý với kế hoạch chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài 65 năm qua và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm