Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trình diễn cồng chiêng đường phố: Hướng đi mới của Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm đưa không gian văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với người dân, hàng quý, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa tổ chức trình diễn cồng chiêng đường phố. Hoạt động này thu hút hàng trăm người dân và du khách theo dõi, cổ vũ.

Từ thành công của Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số lần thứ II-2022, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình trình diễn cồng chiêng đường phố nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa, qua đó kích cầu du lịch địa phương.

Chương trình được tổ chức 1 lần/quý vào buổi tối tại khu vực Quảng trường 19/3 nhằm tạo không gian mở để người dân, du khách và các nghệ nhân trực tiếp giao lưu. Trong tiếng cồng chiêng vang vọng, điệu xoang uyển chuyển, mọi người như được sống trong không khí lễ hội buôn làng.

Các nghệ nhân phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố tại khu vực Quảng trường 19/3 trong tối 19-5. Ảnh: Vũ Chi

Các nghệ nhân phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố tại khu vực Quảng trường 19/3 trong tối 19-5. Ảnh: Vũ Chi

Với 2 lần tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố, đoàn nghệ nhân phường Cheo Reo đã gây ấn tượng mạnh với du khách bởi sự biểu diễn nhịp nhàng, hấp dẫn. Chị Ksor H'Ruy chia sẻ: Vì các tiết mục đều sử dụng bộ chiêng cổ nên không thể thiếu các nghệ nhân lớn tuổi. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ học hỏi, kế thừa, chúng tôi mời thêm các em nhỏ tham gia. Trong số 37 thành viên của đoàn, nghệ nhân lớn nhất đã 85 tuổi còn người nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi. Tất cả đều chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống nên mỗi khi tiếng cồng chiêng vang lên là họ “cháy” hết mình.

Mái tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng nghệ nhân Rah Lan Bian (tổ 3, phường Cheo Reo) luôn nhiệt tình tham gia mỗi khi được mời biểu diễn cồng chiêng. Ông bộc bạch: “Thế hệ trẻ hiện nay ít người biết đánh chiêng cổ. Vì vậy, còn sức là mình còn biểu diễn, hướng dẫn để con cháu thấy được cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống mà gìn giữ, phát huy”. Còn em Ksor Võ Quý Anh (6 tuổi) vui vẻ nói: “Em rất thích đánh chiêng. Lúc 4 tuổi, em đã đi theo đoàn biểu diễn. Em sẽ cố gắng chơi chiêng giỏi như các ông, các chú”.

Cùng với diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân còn trình diễn nhạc cụ dân tộc, cất cao lời ca tiếng hát mang lại không khí vô cùng sôi động. Tay trong tay, các nghệ nhân và du khách cùng nhau nối dài vòng xoang.

Em Ngô Lê Nhật Huy (tổ 6, phường Cheo Reo) cho hay: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố, cùng các nghệ nhân nhảy xoang là một trải nghiệm tuyệt vời. Hy vọng chương trình sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để chúng em hiểu thêm, biết thêm, yêu thêm nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa và tự tin giới thiệu với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc khi bước chân vào giảng đường đại học”.

Các nghệ nhân nhí phường Cheo Reo tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố. Ảnh: Vũ Chi

Các nghệ nhân nhí phường Cheo Reo tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố. Ảnh: Vũ Chi

Sau các chương trình do tỉnh tổ chức tại TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa là địa phương đầu tiên thực hiện trình diễn cồng chiêng đường phố. Đây được coi là hướng đi mới nhằm đưa văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng, qua đó phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương.

Theo ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã: Những năm qua, thị xã Ayun Pa đã triển khai nhiều chương trình nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Hiện 7/8 xã, phường đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, trong đó có 1 câu lạc bộ cồng chiêng thanh thiếu nhi tại xã Ia Rbol. Từ nguồn ngân sách nhà nước, thị xã đã hoàn thành lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh 5 trường THCS gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Viết Xuân và Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã. Các em là lực lượng kế cận góp phần bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể của nhân loại.

Dù mới được triển khai song trình diễn cồng chiêng đường phố đã được người dân và du khách ủng hộ, đánh giá cao. Theo kế hoạch, thị xã phục dựng lại mô hình nhà rông tại Công viên Bến Mộng. Đây là địa điểm lý tưởng cho hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang.

“Bên cạnh nguy cơ bị mai một do các nghệ nhân đánh chiêng cổ ngày càng lớn tuổi thì khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình là nguồn kinh phí có hạn, chủ yếu hỗ trợ về mặt tinh thần chứ chưa tương xứng với công sức của nghệ nhân. Chúng tôi hy vọng sẽ huy động thêm được nguồn lực để thực hiện chương trình ý nghĩa này, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy vốn quý văn hóa của địa phương cũng như mở rộng quy mô, số lượng và chất lượng hoạt động”-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm