Xã hội

Trình tự thu hồi đất mới nhất năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân nên nắm rõ đối tượng, trình tự thu hồi đất theo quy định mới nhất của Luật Đất đai.
Thu hồi đất là gì?
Tại Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, “thu hồi đất” được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.
Đối tượng bị thu hồi đất
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Nhà nước cũng có thể tự lấy đất từ phía người dân. Theo quy định tại Điều 16 và các điều từ Điều 61 đến Điều 65 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước chỉ được thực hiện việc thu hồi đất nếu việc thu hồi đất thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật quy định.

Người dân nên nắm rõ đối tượng, trình tự thu hồi đất theo quy định mới nhất của Luật Đất đai. Ảnh: LĐO
Người dân nên nắm rõ đối tượng, trình tự thu hồi đất theo quy định mới nhất của Luật Đất đai. Ảnh: LĐO
Cụ thể, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng.
Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Đất đai năm 2013, chỉ có Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền thu hồi đất.
Trình tự thu hồi đất năm 2021
Bước 1: Thông báo thu hồi đất
UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.
Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất
- UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
- UBND cấp huyện thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất
Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường
Theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
TUẤN ANH (LĐO)
https://laodong.vn/bat-dong-san/trinh-tu-thu-hoi-dat-moi-nhat-nam-2021-920188.ldo

Có thể bạn quan tâm