Điểm đến Gia Lai

Trở lại Ia Piơr...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi còn nhớ, khi ấy đã là cuối mùa mưa năm 1988. Con đường đến vùng Ia Lâu, Ia Mơr trên biên giới Chư Prông, Gia Lai còn lầy lội vô cùng. Chúng tôi đi từ hướng Phú Mỹ (quốc lộ 14) vào. Ngay từ đầu đường, anh Nguyễn Văn Thôn-lái xe riêng cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ-đã cẩn thận tròng xích sắt vào lốp của chiếc U oát để chống lầy như thời còn đi trong rừng Trường Sơn trước 30-4-1975. Tuy thế, chúng tôi vẫn phải mất cả ngày mới có thể vượt qua quãng đường chưa đầy 100 km. Đêm ấy, chúng tôi ngủ cùng lán trại của một đội khai thác gỗ thuộc Lâm trường Chư Prông.
6 năm sau, mùa khô năm 1994, trở lại con đường này, chúng tôi lên thăm và chúc Tết Đồn Biên phòng Ia Lốp và Ia Mơr (xã Ia Mơr) với tư cách là đoàn cán bộ lãnh đạo của huyện Chư Sê. Cũng chỉ xe U oát mới có thể vượt qua con đường lầy bụi này. Chỉ cần một cơn gió, một chiếc ô tô tải ngược chiều là bụi tung lên mù mịt, cây cối hai bên đường nhuộm một màu đỏ ối. Nhiều người trong đoàn chúng tôi lần đầu lên biên giới, không thể tưởng tượng nổi lại còn có một con đường đầy gian khó như thế. Chư Prông, với diện tích tự nhiên khá rộng, là huyện biên giới, có vị thế quan trọng về quốc phòng-an ninh thì lẽ ra giao thông phải được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng có thể cũng vì cái túi ngân sách có hạn nên năm nào cũng sửa, cũng duy tu, bảo dưỡng. Nhưng rồi chỉ sau một mùa mưa thì đâu lại vào đó. Nhu cầu về xây dựng giao thông thì lớn, tiền lại có hạn nên chẳng khác nào... muối bỏ bể. Mới đây, chúng tôi lại có dịp trở lại Ia Piơr, là xã được chia tách ra từ xã Ia Lâu hồi năm 2002, nằm liền kề với xã Ia Mơr. Vẫn trên con đường năm cũ, nhiều đoạn dù đã được bê tông nhưng vẫn đầy rẫy ổ gà, ổ voi.
 Một con đường đã xuống cấp ở xã Ia Piơr. Ảnh: Đ.M.P
Một con đường đã xuống cấp ở xã Ia Piơr. Ảnh: Đ.M.P
Theo lời hẹn, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr Bùi Văn Phụng đã chờ chúng tôi ở trụ sở. Dọc theo con mương dẫn nước mùa này đã cạn, vượt qua cánh đồng lúa vừa thu hoạch còn vương rơm rạ, trên đoạn đường dài đã được bê tông, trụ sở xã hiện ra trong một khung cảnh hữu tình ở cuối con đường ven thị tứ, nơi có người mua kẻ bán khá sôi động. Thầm nghĩ, ở một nơi từng khó khăn, đói kém và trật tự, an ninh bất ổn giờ đã được như thế này là điều mơ ước của người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Ia Piơr đưa tôi bản báo cáo công tác 9 tháng qua và dự kiến một số việc làm còn lại của 3 tháng cuối năm 2019. Lướt qua, tôi nhận thấy có những con số đáng mừng và cũng có những con số còn gợi bao điều lo lắng... Sản xuất nông nghiệp vượt chỉ tiêu về diện tích, vụ mùa vừa qua gieo trồng đạt 3.382 ha. Khi hỏi về việc xây dựng nông thôn mới, được biết cho đến nay xã mới đạt được 8/19 tiêu chí. Dọc đường đến một điểm trường ở làng Piơr 1, 2 để khảo sát, kêu gọi Mạnh Thường Quân đầu tư xây mới 1-2 lớp học giúp các em nhỏ Jrai đỡ vất vả khi phải đi bộ cả chục cây số đến trường chính mỗi ngày, chúng tôi thấy những thửa ruộng lúa còn đang chờ ngày gặt, chợt nhớ về những ngày xa xưa. Một Ia Lâu, Ia Mơr trên vùng xa xôi hẻo lánh, cách biệt bởi giao thông trắc trở, đói nghèo, bệnh tật và thất học bởi vừa thoát ra khỏi chiến tranh; tình trạng du canh, du cư chưa được giải quyết ở cả bà con đồng bào Jrai tại chỗ và một bộ phận bà con dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào.
Đêm ấy, là cái hôm đã nói ở trên, chúng tôi tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ vào thăm một gia đình sống... giữa rừng khộp. Hỏi ra mới biết gia đình vừa di cư tự do từ vùng cao Thanh Hóa vào được mấy tháng, chưa tăng gia sản xuất được gì, chỉ... chặt gỗ bán lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Khi ấy “khái niệm” phá rừng gần như chưa ai quan tâm mấy. Lúc đó, chúng tôi biết đã có khá nhiều hộ gia đình di cư tự do vào các vùng sâu, xa của Gia Lai-Kon Tum (cũ), không ai quản lý hộ khẩu, hộ tịch. Chuyện ốm đau, nhất là bị bệnh sốt rét bấy giờ khá nghiêm trọng, con cháu họ cũng không được đến trường... là những nỗi lo lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cũng đã có lúc tỉnh có chủ trương rà soát, quy hoạch, dự kiến chia tách Chư Prông thành 2 huyện để dễ quản lý địa bàn và cư dân, nhất là vùng giáp ranh với Campuchia. Tuy nhiên khi rà soát kỹ thì không đủ điều kiện, đành để vậy cho đến ngày nay.
Bây giờ thì tình hình ở các xã Ia Lâu, Ia Mơr, Ia Piơr, dẫu còn khó khăn, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân ở đây chưa no đủ, song bộ mặt của vùng đất từng là vùng giải phóng, là hậu phương của một thời chống Mỹ cứu nước đang dần khởi sắc. Người dân nơi đây đã từng là dân công hỏa tuyến, ủng hộ sức người, sức của để có một chiến dịch giành thắng lợi trước một sư đoàn quân đội Mỹ được coi là thiện chiến nhất trên chiến trường miền Nam: Sư không vận số 1. Trên 1.700 tên Mỹ đã bỏ xác trên đất Chư Prông này trong chiến dịch Plei Me, trận đối đầu giữa quân giải phóng Tây Nguyên với quân đội Mỹ từ ngày 19-10 đến 19-11-1965.  
Anh Bùi Văn Phụng cho chúng tôi biết, Ia Piơr còn rất nhiều khó khăn. Ngoài kinh tế ra, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nhất là cơ sở vật chất trường lớp, trang-thiết bị dạy và học, vui chơi, hoạt động của các cháu nhỏ còn thiếu thốn. Diện hộ nghèo và cận nghèo khá lớn: trên 540/2.200 hộ, chủ yếu là trong đồng bào dân tộc thiểu số; giao thông, nhà ở dân cư... cũng là những tiêu chí xã đang phấn đấu đạt chuẩn theo quy định về xây dựng nông thôn mới nhưng vô cùng nan giải. Còn người viết bài này chỉ ước mơ khi có lần trở lại vùng đất phía Nam của Chư Prông này thì sẽ được đi trên con đường cho ra... đường, vậy thôi!
 ĐOÀN MINH PHỤNG
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm