Kinh tế

Doanh nghiệp

"Trợ lực" mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 đang được các doanh nghiệp kỳ vọng trở thành “trợ lực” mới để họ có thể tiếp cận vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng
Lâu nay, vốn vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh khi có nguồn vốn dồi dào. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn những điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ. Vì vậy, tình trạng doanh nghiệp “đói” vốn dẫn đến hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản diễn ra không ít. Theo tổng hợp của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong gần 11 tháng của năm 2019, toàn tỉnh có 92 doanh nghiệp bị giải thể và 141 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Nguyên nhân doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động hầu hết là do không đủ năng lực tài chính”.
 1 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Ảnh: H.D
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Ảnh: H.D
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Văn Minh-Thường trực Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê-cho biết: “Lâu nay, doanh nghiệp hầu như không biết thông tin về những chương trình tín dụng lãi suất thấp nên không tiếp cận được. Khi vay vốn ngân hàng, đối với hạn mức tín dụng, trước kia cứ 1 năm sẽ được đáo hạn, nhưng nay theo quy định chỉ được 6 tháng. Trong khi doanh nghiệp vay xong sẽ đầu tư hết, tới thời hạn không có tiền để đáo hạn buộc phải vay “tín dụng đen”. Mà thời điểm này, doanh nghiệp nào cũng khó khăn do ảnh hưởng chung khi các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu bị chết, cà phê thì được mùa mất giá, được giá lại mất mùa, cao su lâu nay vẫn đang trong tình trạng ảm đạm… Cho nên cái khó nhất của doanh nghiệp hiện tại vẫn là vốn”.
Về phía các ngân hàng, lựa chọn an toàn khi cho vay vốn luôn được đặt lên hàng đầu. Trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: “Ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn nếu có hồ sơ đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu”. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ năng lực tài chính còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo. Điều này cho thấy, sức chịu đựng rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa không cao, hiệu quả sử dụng vốn vay cũng như khả năng trả nợ mang tính “hên xui”. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp loại này khó có khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Kỳ vọng vào Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trước thực tế đó, việc triển khai rộng rãi Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ trở thành một “trợ lực” mới để họ có thể tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. “Việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm và đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, do một số quy định còn khá mới mẻ nên địa phương khá lúng túng trong tham mưu, đề xuất và triển khai. Vì vậy, Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn về vấn đề này cho cán bộ của các sở, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương. Tôi mong qua đây, các doanh nghiệp có thể sớm được tiếp cận nguồn vốn này”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với số vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Ông Bùi Hoàng Tùng-Trưởng phòng Nghiệp vụ cho vay (Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) cho biết: Quỹ thực hiện cho vay dưới 2 hình thức là trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, Quỹ trực tiếp thực hiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc gián tiếp thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một doanh nghiệp không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ… Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tài trợ một phần chi phí đối với các hạng mục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cụ thể, Quỹ sẽ xem xét, quyết định tài trợ vốn đối với từng trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành hay tham gia chuỗi giá trị khi đáp ứng được các quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 16, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 5.700 doanh nghiệp, 95% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính rất hạn chế. Vì vậy, nếu tiếp cận được Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời nguồn vốn nhà nước sẽ được quản lý hiệu quả hơn.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm