Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trò xảo trá của chuyên gia 'thân Trung Quốc' về Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TS Mark J Valencia, người đang làm việc cho Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông, lại vừa có bài viết đánh tráo khái niệm nhằm ngụy biện cho hành vi của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

 Chiến hạm Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần đây Ảnh: Chinamil.com.cn
Chiến hạm Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần đây Ảnh: Chinamil.com.cn


Ngày 1.11, tờ Asia Times đăng bài phân tích của TS Valencia (ảnh nhỏ) có tựa đề “What really drives the South China Sea conflict” (tạm dịch: Nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ xung đột ở Biển Đông).

Đánh tráo sự thật

Đại ý, bài viết cho rằng nguyên nhân thật sự gây căng thẳng, ẩn chứa nguy cơ xung đột ở Biển Đông là các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển này.

Theo đó, Washington muốn áp đặt các giá trị tư tưởng, cản trở sự vươn lên của Bắc Kinh trong khu vực. Mỹ muốn giữ vị trí thống trị, đảm bảo trật tự phục vụ cho lợi ích của nước này. Cũng theo tác giả, Mỹ không phê chuẩn Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, nên việc tỏ ra ủng hộ luật pháp quốc tế đối với Biển Đông chỉ là cách để mượn cớ nhằm “chèn ép” Trung Quốc ở vùng biển này.

Ngược lại, tác giả Valencia khẳng định: “Động cơ của Trung Quốc chủ yếu là để tự vệ và điều mà nước này xem là khôi phục phạm vi ảnh hưởng”. Để minh chứng cho nhận định trên, bài viết trích dẫn các tuyên bố từ phía Mỹ rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, “đang theo chủ nghĩa xét lại”...

Thực tế, bài viết trên của tác giả là một sự đánh tráo khái niệm. Đó là vì cả thế giới đều biết Biển Đông là nơi đang xảy ra cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cạnh tranh Mỹ - Trung là gốc rễ của tình trạng căng thẳng ở Biển Đông.

Cách viết của tác giả đã “đặt sự đã rồi” về chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông khi cho rằng “động cơ của Trung Quốc chủ yếu là để tự vệ”. Trong khi đó, chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra đối với Biển Đông đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.

Và cũng trên thực tế, trước khi Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự vào năm 2019, Trung Quốc đã có nhiều năm cấp tập xây dựng hạ tầng, quân sự hóa, bố trí vũ khí với hỏa lực hạng nặng trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn... ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng năm 2016, các hình ảnh khác cũng chỉ ra hiện trạng tương tự trên hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Như vậy, hoạt động quân sự gây căng thẳng Biển Đông đến từ rất nhiều hành vi của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không có chủ quyền hợp pháp ở vùng biển này để “tự vệ” như tác giả Valencia chỉ ra.

Chiêu trò xảo trá

Trong quá trình hình thành quyền lực mềm để định hướng dư luận nhằm hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc thành lập các trung tâm nghiên cứu tham vấn. Thông qua các trung tâm này, Bắc Kinh công bố các báo cáo, đồng thời chiêu dụ nhiều chuyên gia quốc tế đưa ra các phân tích theo lợi ích của nước này.

 


Năm 2018, TS Valencia đăng bài trên tờ The Jakarta Post cho rằng những hành động quân sự hóa phi pháp và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ nhằm “phòng thủ” vì những nước trong khu vực “lôi kéo, dựa hơi Mỹ để gây hấn”. Kết quả, bài viết bị giới nghiên cứu ở nhiều nước như Mỹ, Singapore, Úc... phản bác mạnh mẽ.



Trong đó, Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông có các chuyên gia như TS Mark Valencia (học giả cao cấp của viện) và ông Ngô Sĩ Tồn (Viện trưởng viện này) liên tục có nhiều bài viết đánh tráo khái niệm để phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Tháng 3 vừa qua, ông Valencia có bài viết trên tờ South China Morning Post về việc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam. Qua đó, TS Valencia đưa ra cảnh báo “nếu Việt Nam chọn vị trí chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ thì đó là phù du”. Tiến sĩ này còn cáo buộc Việt Nam bị Mỹ lôi kéo để phá rối Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt là hoạt động ngoại giao, nằm trong chuỗi sự kiện 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Và hoạt động ngoại giao tương tự giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn thường xuyên diễn ra. Ngược lại, thực tế là Việt Nam đang phải tự vệ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông từ nhiều năm qua.

Dù thường xuyên bị cộng đồng nghiên cứu quốc tế lên án mạnh mẽ, TS Valencia và một số chuyên gia “thân Trung Quốc” dường như chưa dừng lại việc sử dụng chiêu trò đánh tráo khái niệm.

Theo NGÔ MINH TRÍ (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm