Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Trọn cuộc đời cho văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc tới ông, chúng tôi luôn dành một sự kính trọng đến vô cùng, cũng bởi sự giản dị, gần gũi và hơn hết là tầm nhìn, sự am hiểu, kiến thức uyên bác, tư duy sắc sảo, độc đáo, dám nghĩ, dám làm của ông.
 

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh.

Gặp ông, chẳng dễ dàng gì, được nói chuyện cùng ông, dường như ai cũng cảm thấy đó là một niềm vinh hạnh và bản thân vỡ ra nhiều điều, cũng bởi vị Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đáng kính ấy, hơn 80 tuổi rồi mà vẫn hàng ngày xử lý cả núi công việc trong một niềm đau đáu với văn hóa, âm nhạc dân tộc, văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam.

Văn hóa là một quá trình sáng tạo của con người

Nhắc đến khái niệm văn hóa, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh đặc biệt nhấn mạnh: Đã có rất nhiều định nghĩa về văn hóa, tuy nhiên, tôi muốn giới thiệu một góc tiếp cận khác, một khái niệm mới, sát thực hơn, đang được UNESCO thảo luận. Theo đó, văn hóa được nhìn nhận như một quá trình sáng tạo của con người. Về bản chất, văn hóa là một phạm tù xã hội và lịch sử.

Do đó, nó là một “diễn trình” trong lòng một xã hội nhất định và vào một thời kỳ lịch sử nhất định, trong đó vừa diễn ra những hoạt động sáng tạo văn hóa đồng thời cũng lại là quá trình kết tinh những giá trị và đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa của thời kỳ lịch sử và không gian xã hội ấy.

 

Như thế, có thể thấy, hoạt động sáng tạo là một trong những thuộc tính của con người. Cho nên, văn hóa phải là và trên thực tế đã là sáng tạo của toàn dân trong một cộng đồng người nhất định.
Văn hóa biểu hiện bản chất con người, là những giá trị được kết tinh từ những hoạt động sáng tạo của con người và được định hình bằng hệ thống tín hiệu đặc thù biểu hiện bản sắc dân tộc.

 

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh trao chứng nhận cho các học viên lớp tập huấn về công tác văn hóa dân gian. Ảnh: Thu Huế

Truyền đạt một khái niệm mới với một hệ thống luận điểm, luận cứ và hàng loạt các định nghĩa nội hàm, nghe qua thì thấy “ngại tìm hiểu”, nhưng với cách nói chuyện linh hoạt, cụ thể và sinh động với những ví dụ thực tiễn của giáo sư Tô Ngọc Thanh, chúng tôi vỡ ra nhiều điều. Đặc biệt, là khi nghe ông nói về cội nguồn, di sản của nhân dân, về những gốc rễ bền lâu làm nên giá trị của đời sống, chúng tôi lại càng thêm kính trọng một nhân cách, một con người mà cả cuộc đời đã gắn với núi rừng, với làng quê, miệt mài với văn hóa dân gian.

Ông bảo, mọi thứ, ông đều học từ dân: trong lĩnh vực văn hóa, nhân dân là người thầy vĩ đại nhất. Không có nhân dân chỉ bảo, thì tôi không có cái gì để nói hôm nay cả. Mọi tri thức về âm nhạc dân gian, tinh hoa của văn hóa cha ông để lại, tôi đều đúc rút được từ các nghệ nhân. Có thể khẳng định, toàn bộ nền tảng di sản văn hóa âm nhạc dân tộc, chính là ở trong dân. Vì vậy, muốn hiểu dân và tiếp nhận giá trị văn hóa lâu đời đó, phải dấn thân, phải hiểu toàn bộ cơ cấu đời sống xã hội của từng dân tộc, phải sống trong nền văn hóa đó. Trong cuộc đời làm khoa học của mình, tôi thích nhất là được gần gũi với tài năng sáng tạo của con người. Văn hóa nằm ngay trong bàn tay những người nông dân chứ đâu xa. Tôi sợ rằng, mình chẳng còn nhiều thời gian nữa, cho việc này…

Một con người đau đáu với văn hóa Tây Nguyên

Không chỉ nghiên cứu, phát hiện, phát huy vốn văn hóa dân gian, giáo sư Tô Ngọc Thanh còn là người luôn đấu tranh bảo vệ sự nguyên vẹn, những giá trị bản sắc rất riêng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, ở nhiều diễn đàn. Ông tỏ ra rất buồn khi hiện nay, không ít người quản lý và làm văn hóa nhưng lại rất thiếu kiến thức về văn hóa; đặc biệt là văn hóa dân gian.

Rồi, như là “nhớ chuyện”, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện mới đây về Kbang xem đâm trâu, xem bỏ mả; xa hơn là nhắc lại việc tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế vài năm trước tại Gia Lai; xa hơn nữa là chuyện dự buổi lễ cầu an cho lúa nương sau khi làm cỏ của đồng bào Bahnar vài chục năm trước…; chuyện nào cũng đựng đầy những tiếc nuối khi gặp phải những hạt sạn không đáng có, không nên có.

Nghe ông kể chuyện, chúng tôi thực sự cảm nhận được niềm mong mỏi đến vô cùng của ông dành cho Tây Nguyên-niềm mong mỏi ở một thế hệ tiếp nối với sự am hiểu tường tận, sâu sắc, toàn diện hơn về mảnh đất cao nguyên này, hiểu và đến với Tây Nguyên trong một tình yêu sâu và lớn; ít nhất là bởi chúng ta có thể tìm thấy ở đây, trong lịch sử, trong tự nhiên, trong văn hóa, trong con người bao điều, để suy ngẫm về lẽ đời, về cuộc sống, sự hiền minh mà Tây Nguyên có thể gợi cho con người trong thế giới đang biết bao xáo động hôm nay.

Khi nghe chúng tôi đề nghị ông nói một chút về cuốn sách Fônclo Bâhnar - “một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà nhiều phần viết của nó vẫn còn phát huy tác dụng, thậm chí có những khía cạnh mang giá trị mở đường” (chữ dùng của thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ), giáo sư Tô Ngọc Thanh cười vui: Ngoài phần mở đầu và kết luận, công trình gồm 5 chương: Phác thảo khuôn mặt fôn-clo người Bâhnar An Khê; Hội lễ fôn-clo; Nghệ thuật múa fôn-clo; Nghệ thuật âm nhạc fôn-clo và Nghệ thuật Hơ Amon.

Chọn vùng Bahnar An Khê cũ là địa điểm nghiên cứu thực địa, công trình đã cố gắng mang đến cho người đọc những vấn đề có ý nghĩa nhất về văn hóa dân gian, khi đặc biệt quan tâm đến việc mô tả về làng, cách đặt tên làng, cách thức làm lụng, sinh hoạt của người dân, hay những nghi lễ đặc trưng theo chu kì sinh trưởng của cây trồng và vòng đời người; những trang viết về múa, về diễn xướng dân gian.

Ở phần cuối của sách này, chúng tôi cũng đã bày tỏ những khuyến nghị, có lẽ nó vẫn còn nguyên giá trị: “Từ một xã hội tiền giai cấp với nền nông nghiệp nương rẫy lạc hậu tiến thẳng sang xã hội xã hội chủ nghĩa với nền công nghiệp hiện đại, với lối sống đô thị hóa, fôn-clo cổ truyền sẽ phải chịu đựng quá trình giải thể cấu trúc thực thể. Với phương thức sinh hoạt thông tin đại chúng của nền văn hóa mới, fôn-clo không còn là một thực thể nằm trong hệ thống các thực thể của một nền văn hóa toàn vẹn như xưa (…). Trong tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là phải nhanh chóng và ra sức sưu tầm tất cả những vốn liếng fôn-clo cổ truyền. Chỉ có như vậy chúng ta mới có điều kiện hiểu biết cặn kẽ về quá khứ, để biết nên chọn lọc, tiếp thu cái gì, sửa đổi ra sao những yếu tố fôn-clo cổ truyền trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hôm nay”…

Thu Huế

 

Có thể bạn quan tâm