Bạn đọc

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay, song đến thời điểm này nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án chưa được chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp là Ban Quản lý dự án thủy điện 7 giải quyết thấu đáo.
Định mức hỗ trợ- Chấp nhận rồi phủ nhận
Một trong những vấn đề nổi cộm được đưa ra mổ xẻ tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Gia Lai với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 (gọi tắt là Ban 7) chính là định suất hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho các hộ dân bị mất đất trong vùng dự án thuộc địa bàn huyện Kbang.
Ông Trần Vĩnh Hương- Chủ tịch HĐND huyện Kbang bức xúc: Theo Quyết định 56/2009/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh, mức hỗ trợ cho các hộ dân bị mất đất gấp 5 lần so với đơn giá bồi thường của tỉnh và diện tích được xem xét hỗ trợ không vượt quá hạn mức đất được cấp cho từng hộ theo quy định của UBND tỉnh. Cơ chế hỗ trợ này đã được EVN, Ban 7 chấp thuận. Thế nhưng, mới đây EVN lại có công văn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét hạ mức hỗ trợ từ 5 lần xuống còn 1,5 đến 2,5 lần.
Khu tái định cư thủy điện An Khê- Ka Nak. Ảnh: K.N.B
Khu tái định cư thủy điện An Khê- Ka Nak. Ảnh: K.N.B
Theo lý giải của Phó Tổng Giám đốc EVN- Trần Văn Được, nguyên nhân EVN đề nghị tỉnh hạ mức hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm là duy trì sự thống nhất định mức hỗ trợ chung cho cả khu vực Tây Nguyên. Nếu áp dụng mức hỗ trợ 5 lần như Quyết định số 56 của UBND tỉnh sẽ tạo ra tiền lệ mới, không có lợi cho EVN.
Đề nghị hạ mức hỗ trợ cho nhân dân vùng dự án thủy điện An Khê- Ka Nak của lãnh đạo EVN-  theo lãnh đạo huyện Kbang là đã đánh mất chữ “tình”, gây khó cho chính quyền. Bởi vì, trước khi diễn ra sự kiện chặn dòng công trình thủy điện An Khê- Ka Nak vào ngày 13-9-2010, EVN và Ban 7 đã chấp nhận mức hỗ trợ gấp 5 lần theo Quyết định 56 của UBND tỉnh, và đã tiến hành chi tiền hỗ trợ cho 143 hộ dân. Đồng thời cam kết với chính quyền địa phương sẽ hoàn thành việc thực hiện chi hỗ trợ ở mức trên cho 756 hộ dân còn lại chậm nhất vào ngày 15-11-2010.
Thế nhưng, khi triển khai chặn dòng xong, EVN lập tức có công văn kiến nghị với cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giảm mức hỗ trợ xuống còn 1,5 đến 2,5 lần vì lý do đảm bảo mặt bằng hỗ trợ chung cho khu vực Tây Nguyên thể hiện cách làm việc “tiền hậu bất nhất”. Hậu quả là cùng nằm trong diện được hỗ trợ, nhưng có hộ được nhận tiền cao, hộ nhận tiền thấp, không tạo được sự đồng tình trong dân.
Bồi thường chậm- “Đá bóng” sang UBND tỉnh
Theo báo cáo của huyện Kbang, ngày 5-9-2010, Ban 7 đã có Công văn số 1603/CV-ATDD7-P7 thống nhất thu hồi, bồi thường, hỗ trợ các loại đất: Ốc đảo, đất bán ngập, đất sản xuất không có đường đi sau khi hồ thủy điện được tích nước. Để có cơ sở bồi thường, Ban 7 thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đo đạc xác định diện tích, lập bản đồ địa chính tiến hành kiểm kê bồi thường cho dân. Thế nhưng, đến nay, Ban 7 chưa có động thái nào về việc này. Bắp, lúa, đậu đỗ các loại và cây trồng khác của nhân dân bị hư hỏng, không thu hoạch được, nhân dân bức xúc nên đã gửi 150 đơn khiếu nại lên huyện, tỉnh. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị Ban 7 kiểm kê, đền bù cho dân. Ngày 29-10-2010, lãnh đạo huyện nhận được “phúc đáp” của Ban 7 “đá bóng” chậm thực hiện kiểm kê, bồi thường cho nhân dân về phía UBND tỉnh với lý do tỉnh chưa ban hành quy chế về giá đất(?).
Ông Huỳnh Văn Tâm- Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Đến thời điểm này, Ban 7 chưa chi trả tiền hỗ trợ cho 881 hộ dân trong vùng dự án thủy điện An Khê- Ka Nak (cụm An Khê). Chưa đền bù cho hộ ông Đặng Hạp số tiền 65 triệu đồng. Quy trình nổ mìn chưa đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khi ngăn dòng thủy điện An Khê- Ka Nak, nước không được chảy về sông Ba, mà chảy về tỉnh Bình Định nên sông Ba cạn nước, khiến người dân An Khê thiếu nước sinh hoạt, các nhà máy chế biến nông sản thiếu nước hoạt động.
Không chỉ chậm bồi thường, việc giải quyết đất canh tác cho các hộ dân bị mất đất đến thời điểm này vẫn giậm chân tại chỗ. Quá trình xây dựng công trình thủy điện An Khê- Ka Nak (cụm Kbang) phải di dời hàng trăm hộ dân về định cư tại 5 điểm tái định cư mới thuộc địa bàn xã Đak Smar và Lơ Ku. Hạ tầng khu tái định cư đã hoàn thành, các hộ dân cũng chuyển về nơi ở mới. Thế nhưng, nhân dân thiếu đất canh tác, lương thực đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày không đảm bảo.
UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi hơn 200 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Ka Nak và Lơ Ku giao cho Ban 7 tổ chức khai hoang, cải tạo để giải quyết đất canh tác cho dân, song đến thời điểm này đất vẫn là đất hoang. Đề cập đến vấn đề này, ông Hương nói: Về nguyên tắc, Ban 7 phải tiến hành khai hoang đất, mở đường, xây dựng công trình thủy lợi… rồi giao lại cho huyện tổ chức phân chia đất canh tác cho nhân dân. Đã vậy, việc hỗ trợ gạo từ nay đến hết năm 2010 để nhân dân đảm bảo cuộc sống trong thời gian chờ cấp đất canh tác, Ban 7 cũng vẫn chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, 7 hộ dân định cư ven vùng hồ chưa có điện cần sớm di dời vào khu tái định cư... vẫn chưa được Ban 7 giải quyết triệt để.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, những vướng mắc thuộc thẩm quyền đã được UBND tỉnh tháo gỡ hết. Vấn đề còn lại là EVN, Ban 7 và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giải quyết dứt điểm, kịp thời công tác hỗ trợ, đất canh tác, bồi thường và các vấn đề nảy sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu EVN, Ban 7 cùng chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết tồn tại; đồng thời khẳng định mức hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm quy định tại Quyết định 56 của UBND tỉnh vẫn nguyên giá trị và EVN phải thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân bị mất đất còn lại của huyện Kbang theo đúng lời cam kết.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm