TN - Đất & Người

Trồng đương quy Nhật ở vườn cà phê, cứ 1 sào đào 1 tấn củ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cà phê là cây trồng chủ lực của xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Để tận dụng trong thời gian tái canh cà phê, nhiều nông hộ đã trồng xen canh cây đương quy Nhật Bản, giúp người nông dân có thu nhập trong thời gian chờ cà phê tới vụ trổ bông kết trái.
Anh Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây xã Đông Thanh phát triển khá mạnh cây dược liệu, trong đó có cây đương quy.
Bên cạnh đó, người nông dân cũng mong muốn có nguồn thu nhập bổ sung khi tái canh cà phê bởi thời gian chờ cây cà phê cho thu hoạch không ngắn, nhất là tái canh dạng trồng mới.
Đương quy được trồng xen trong vườn cà phê của hộ ông Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: D.Quỳnh.
Đương quy được trồng xen trong vườn cà phê của hộ ông Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: D.Quỳnh.
Bởi vậy, Trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình trồng cây đương quy xen cà phê ở huyện Lâm Hà, giúp nông dân “lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời tăng diện tích đương quy, một loại dược liệu nhiều công dụng.
Đã có 7 nông hộ tham gia mô hình với 2 ha đương quy giống Nhật Bản, giống đương quy cho năng suất và chất lượng tốt hiện nay.
Hộ ông Nguyễn Văn Tiến, xã Đông Thanh tham gia mô hình trồng đương quy Nhật Bản trong vườn cà phê tái canh. Cà phê nhà ông được ghép cải tạo giống mới trên các gốc cà phê cũ cho năng suất thấp.
Ông Tiến cho biết, cà phê tái canh theo cách ghép cải tạo như nhà ông phải 18 tháng trở ra mới có thu hoạch. Thế nên ông đã tham gia trồng đương quy Nhật Bản để có thêm một khoản thu hoạch. Ông được phát hạt giống, nhân gieo theo đúng quy trình được chuyển giao.
Luống đương quy Nhật Bản được vun giữa các hàng cà phê, đảm bảo không ảnh hưởng tới rễ cà phê còn non đồng thời khi tưới đương quy, cà phê cũng được tưới ẩm.
Do đã có kiến thức về trồng đương quy nên ông đã chú ý tủ rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho luống. Bởi vậy, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đều, đạt yêu cầu 95%.
Hiện vườn đương quy Nhật Bản của gia đình ông phát triển khá đều, cây cao xấp xỉ 40 cm, thân mập, lá xanh tương tự đương quy trồng thuần.
Anh Nguyễn Văn Diện, người trực tiếp đồng hành cùng bà con trong dự án trồng đương quy xen cà phê cho biết, nhiều hộ trồng trong vườn cà phê giai đoạn kiến thiết, cây cà phê còn nhỏ nên không cạnh tranh ánh sáng với cây đương quy; cây đương quy đủ ánh sáng để sinh trưởng phát triển.
Kinh nghiệm trồng xen canh rút ra cho thấy, để đảm bảo tỷ lệ hạt giống đương quy nảy mầm cao, hạt giống cần được xử lý gieo ngay, không nên để quá lâu ở điều kiện thông thường sẽ làm giảm tỷ lệ nảy mầm của hạt.
Khi gặp thời tiết mưa quá nhiều, độ ẩm cao, cây đương quy con dễ bị bệnh thối nhũn, cần kiểm tra theo dõi để phòng trừ kịp thời. Nông hộ cấy cây đương quy con trong giai đoạn mùa mưa, cây con đủ độ ẩm hơn so với trồng cây vào mùa khô.
Do trồng cây đương quy Nhật Bản lấy rễ làm dược liệu nên trong quá trình chăm sóc, bà con đã thường xuyên làm cỏ, sử dụng các biện pháp tổng hợp từ khâu canh tác đến phòng trừ sâu bệnh hại bằng các biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, nhằm hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng nhờ chăm sóc kỹ, sau hơn 7 tháng trồng cây đương quy Nhật Bản đã sinh trưởng phát triển ổn định, chưa thấy phát sinh sâu bệnh hại.
Phải 4 tháng nữa diện tích đương quy Nhật Bản mới cho thu hoạch nhưng dựa trên kết quả hiện tại, có thể đánh giá đương quy trồng xen trong vườn cà phê tái canh cho năng suất khá tốt, trung bình từ 900-1.100 kg/ 1 sào.
Với giá thị trường đang ở mức thấp nhất 30 ngàn đồng/kg rễ đương quy, 1 sào củ đương quy nông dân có thể cho thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng.
Chỉ cần trồng xen 1 sào đương quy trong vườn cà phê tái canh, dân đã có thu hoạch bù đắp chi phí cho phần thiếu hụt do không có cà phê.
Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà đánh giá trồng xen đương quy vào diện tích cà phê tái canh mang lại hiệu quả tốt, tăng thu nhập cho nông hộ khi cà phê chưa cho thu hoạch quả đồng thời mô hình hạn chế dùng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Thọ cho biết, đây là một hướng mở giúp người nông dân chủ động trong tái canh cà phê, đa dạng hóa cây trồng vùng cà phê Đông Thanh.
Theo Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng/DânViệt)
http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/trong-duong-quy-nhat-o-vuon-ca-phe-cu-1-sao-dao-1-tan-cu-1060664.html

Có thể bạn quan tâm