Đang có công việc ổn định tại Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Trường Sơn (31 tuổi), quê xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, lại chọn cho mình một hướng rẽ khác, nghỉ việc về quê thuê đất trồng măng tây để khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Trường Sơn thu hoạch măng tây |
Tháng 8-2016, anh Sơn thuê 1,5 ha đất (15.000 m2) và gom vốn, cộng với vay ngân hàng được 800 triệu đồng để thực hiện dự án theo quy trình tưới tự động hóa.
Anh Sơn cho biết: “Mình không phải làm bừa, làm đại mà trước khi thực hiện dự án, mình đã nghiên cứu rất kỹ bởi vì mình vốn học thạc sĩ ngành công nghệ sinh học và thấy măng tây là loại cây rất dễ trồng. Loại cây này có thể chịu được hạn, trồng được cả ở đồng bằng và miền núi. Từ khi ta gieo hạt sau đó khoảng 8 tháng là ta có thể thu hoạch được và thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 10 năm chứ không phải theo vụ như các loại rau xanh khác. Nhiều nơi điều kiện thời tiết thuận lợi có thể cho người trồng kéo dài khai thác từ 15-20 năm”.
Theo anh Sơn, mỗi héc ta măng tây cho thu hoạch từ 5-7 tấn/năm (năm đầu), nhưng kể từ năm thứ 3 trở đi, nếu chúng ta chăm sóc tốt thì mỗi héc ta có thể cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn/năm.
“Thực tế, với diện tích 1,5 ha măng tây trong độ tuổi mới thu hoạch của vườn mình thì mỗi ngày đã thu được từ 60 - 70 kg, với giá dao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg (tùy loại)”, anh Sơn nói.
Chia sẻ về cách trồng măng tây đạt năng suất cao, anh Sơn tiết lộ: “Cần chăm sóc kỹ ở giai đoạn cây cho thu hoạch vì trong giai đoạn này cây cần chế độ dinh dưỡng cao, hơn nữa sau khi ta cắt chồi cây (măng để bán) thì cây bị tổn thương, dễ gây bệnh nấm. Để cây phát triển tốt thì ta cần có chế độ bón phân hợp lý, cung cấp đủ dưỡng chất cho cây sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra và kiểm soát nấm bệnh bởi măng tây rất dễ mắc bệnh vàng lá, thối rễ và bệnh khô thân cành. Hai bệnh này rất nguy hiểm vì có thể lây lan nhanh chóng và nếu ta không kịp thời xử lý thì sẽ làm cho vườn cây chết hàng loạt”.
Lê Thanh (thanhnien)