Điểm đến Gia Lai

Trồng quýt đường, na dai cho thu nhập khá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở huyện Đak Pơ, Gia Lai đã chủ động chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng na dai, quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Trước đây, gia đình anh Lê Văn Năm (tổ dân phố 3, thị trấn Đak Pơ) dành tất cả diện tích đất sản xuất để trồng mía. Tuy nhiên, do năng suất không ổn định, giá cả thị trường thường xuyên biến động nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2015, khi huyện Đak Pơ triển khai dự án trồng cây quýt đường từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, anh Năm liền đăng ký tham gia và được hỗ trợ 1.200 cây giống. Sau 3 năm chăm sóc, vườn quýt đường của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt khá cao. Mỗi năm, cây quýt đường cho thu 2 vụ vào tháng 2 và tháng 8 Âm lịch. “Quýt đường trồng khoảng 1,5 năm thì cho quả. Nhưng để cây không mất sức, lần cho quả bói, tôi phải hái bỏ quả để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Quýt đường thường mắc các bệnh nhện đỏ và sâu vẽ bùa. Vì vậy, tôi đã chủ động sử dụng các chế phẩm sinh học để điều trị, vừa phòng trừ sâu bệnh vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn cây tiếp tục cho năng suất cao ở các vụ sau, phải thường xuyên bón phân và cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh”-anh Năm chia sẻ.
 Vườn quýt đường của anh Lê Văn Năm cho năng suất cao. Ảnh: T.B
Vườn quýt đường của anh Lê Văn Năm cho năng suất cao. Ảnh: Thủy Bình
Hiện tại, quýt đường có giá khá cao, trung bình 28 ngàn đồng/kg. Mỗi cây quýt đường của anh Năm cho thu khoảng 10 kg/vụ. “Sau 3 năm, tôi thấy cây quýt đường khá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở huyện Đak Pơ. Quýt cho quả to và ngọt, cách chăm sóc cũng không quá khó. Trong thời gian tới, tôi dự tính mở rộng thêm diện tích trồng quýt đường”-anh Năm phấn khởi nói.
Bên cạnh quýt đường, na dai cũng đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân ở xã Cư An. Một trong những người đầu tiên mạnh dạn đem giống na dai về trồng trên vùng đất này là anh Nguyễn Văn Duy (thôn An Định). Anh Duy cho biết: “Một lần vào huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) thăm người thân, tôi thấy mô hình trồng cây na dai ở đây cho năng suất và lợi nhuận cao. Sau khi tham quan, tôi đem giống na dai này về trồng vài sào xen canh trong vườn nhà. Bây giờ thì tôi có đến 3 ha na dai cho năng suất cao và ổn định. Do cây na dai tương đối dễ trồng nên tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích”.
Vườn na dai của anh Duy được trồng trên đất đỏ bazan ở vùng núi Đá Lửa (thuộc địa phận xã Cư An). Đây là loại cây có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất khá cao. Cây chủ yếu bị bệnh bọ trĩ đục quả nhưng rất dễ điều trị. Cây na dai sau 18 tháng trồng là bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch từ đầu tháng 6 đến hết tháng 9 Âm lịch. Theo tính toán của anh Duy, trung bình mỗi héc ta na dai cho thu 15 tấn quả, giá bán dao động từ 18 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/kg. Mô hình này đã đem lại cho anh Duy nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ na dai của các hộ dân xã Cư An chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh, thành như Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Đà Nẵng. Anh Đỗ Quang Hoàng Hiệp, cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Cư An, cho biết: “Cây na dai có khả năng chịu hạn tốt, chỉ cần bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng thương hiệu na dai vùng núi Đá Lửa, đó là điều kiện để người dân nhân rộng diện tích loại cây trồng này”.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Đak Pơ có gần 30 ha na dai, tập trung ở xã Cư An và  hơn 6 ha quýt đường tập trung ở thị trấn Đak Pơ, xã Cư An và Hà Tam. Mặc dù không phải là cây trồng chủ lực của địa phương nhưng 2 loại cây này vẫn đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ, mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm