Thể thao

Trọng tài người Việt kể chuyện cầm còi ở Úc, sắp thổi trận có đội tuyển nữ Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo gia đình sang Úc định cư nhưng trọng tài Nguyễn Hải Đăng vẫn không từ bỏ niềm đam mê bóng đá cháy bỏng. Anh đã kể lại câu chuyện đời mình.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành trọng tài. Mọi thứ bắt nguồn từ tình yêu bóng đá. Tôi từng nói với chính mình, làm gì cũng được, miễn là phải dính tới bóng đá.

Hồi còn học ở Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, tôi đá giải sinh viên rồi giải phủi, được giới thiệu đi thử việc ở Bình Dương của thầy Đặng Trần Chỉnh. Sang Úc, tôi cũng đá cho các CLB địa phương. Sau này, thể lực đi xuống, tôi mới chuyển qua làm trọng tài. Tất cả cũng chỉ để gắn với bóng đá.

Vừa được tận hưởng không khí bóng đá vừa kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân gia đình thì không còn gì tuyệt vời hơn.

Trọng tài Nguyễn Hải Đăng (bìa phải) tại Úc. Ảnh: NVCC

Trọng tài Nguyễn Hải Đăng (bìa phải) tại Úc. Ảnh: NVCC

Mê bóng đá nhưng không có duyên làm cầu thủ

Gia đình tôi có truyền thống mê bóng đá. Trong nhà cũng có người thân từng theo nghiệp "quần đùi áo số". Nhưng với tôi thì ba mẹ không cho phép đi theo con đường này. Tôi phải chuyên tâm học hành chứ không có bóng bánh gì cả.

Học hết lớp 12, tôi thi đậu Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn chuyên ngành Lịch sử. Dù ngành học không liên quan nhưng đây lại là quãng thời gian tôi được tiếp xúc gần với bóng đá. Tôi tham gia đội tuyển trường và thi đấu ở nhiều giải lớn nhỏ.

Thầy phụ trách đội tôi những năm đó chính là Dương Văn Hiền - người từng đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Trọng tài VFF. Lúc này, thầy còn làm giáo viên thể chất của trường Nhân văn. Tôi không chắc thầy còn nhớ học trò cũ không. Nhưng nếu có thì chắc ông sẽ bất ngờ lắm khi tôi trở thành trọng tài ở Úc.

Tôi rất mê bóng đá và sẵn sàng làm mọi việc để được sống trong môi trường này. Ngoài đá giải sinh viên, tôi còn tham gia đá phủi rồi làm quen với các anh em phóng viên thể thao. Cũng có thời gian, nhiều người giới thiệu tôi đi viết báo.

Học đến cuối năm thứ 2, tôi được giới thiệu về Bình Dương của thầy Đặng Trần Chỉnh thử việc. Tôi theo tập với đội một thời gian dài để làm quen môi trường. Mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, đến gần ngày ký hợp đồng thì gia đình tôi ngoài quê biết chuyện. Thông điệp từ Bình Thuận nói rõ "Một là về đi học, hai là đi luôn". Tôi ngậm ngùi chia tay giấc mơ bóng đá.

Trước ngày nhận bằng tốt nghiệp, tôi theo gia đình sang Úc định cư. Tôi sang Úc mà còn chưa kịp nhận lấy tấm bằng mất 4 năm theo đuổi.

Không từ bỏ đam mê ở xứ sở chuột túi

Tại xứ người, tôi bắt đầu lại từ đầu. Trước là học tiếng, sau là học nghề. Thời gian này, tôi bắt đầu gia nhập cộng đồng người Việt ở Queensland, được giới thiệu đi đá bóng cùng các bạn du học sinh. Thấy tôi đá hay, người phụ trách đội giới thiệu đến thử việc ở các CLB tại tiểu bang nơi đang sống.

Mấy năm đầu ở Úc, tôi vừa đi học vừa đá bóng vừa làm thêm bartender ở quán cà phê. Một tuần, CLB địa phương bên đó sẽ thi đấu 1 buổi, tập luyện 4 buổi, buổi còn lại để nghỉ ngơi. Tôi căn vào lịch này mà sắp xếp công việc. Về đãi ngộ, họ chi trả theo từng trận, dao động từ 40 đến 200 AUD tùy theo kết quả.

Trọng tài Đăng (bìa phải). Ảnh: NVCC
Trọng tài Đăng (bìa phải). Ảnh: NVCC

Giai đoạn từ 2011 đến 2017, tôi chơi cho Brisbane Force, Brisbane Knights và Logan Roos. Ở mùa giải cuối, nhận thấy thể lực không còn đảm bảo, tôi quyết định ngừng thi đấu để chuyển hướng đi học làm trọng tài. Giải nghệ, tôi vẫn chơi bóng cho đội bóng cộng đồng người Việt tại thành phố Brisbane. Tôi làm đội trưởng đội này từ năm 2011 cho đến hiện tại.

Tôi làm trọng tài vì muốn tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Tôi đi học các lớp sơ cấp rồi nâng cao dần lên. Tới nay đã chạm tới cấp độ 2 - tức là có thể cầm còi ở giải NPL (tương đương giải hạng nhất Việt Nam - PV), các giải đấu thuộc tiểu bang Queensland và giải trẻ dành cho học viện của các CLB A-League. Tôi không theo nghiệp cầm còi chuyên nghiệp nên nghĩ rằng chỉ tới đây là được.

Nghề trọng tài ở Úc như thế nào?

Các ngày trong tuần tôi làm việc ở công ty. Cuối tuần tôi lại ra sân cầm còi. Trung bình mỗi tuần tôi có thể cầm 5-9 trận. Có những tuần thi đấu nhiều có thể cầm đến 15 trận. Nhiều người nghe xong thì sẽ tá hỏa đúng không? Nhưng bên này họ sắp xếp như vậy. Nó là một hệ thống được vận hành liền mạch. Tổ trọng tài sẽ làm cùng nhau trong 3-4 trận trong 1 ngày.

Ví dụ, trận 14 giờ, đội U.20 thi đấu, đến 16 giờ thì đội dự bị rồi 18 giờ là đội chính. Các trọng tài căn vào đó mà phân bổ công việc cho nhau. Anh nào trẻ và ít kinh nghiệm thì thổi chính trận đội trẻ. Anh nào giỏi và có thâm niên hơn thì cầm trận quan trọng ở cấp độ cao hơn. Cứ theo công thức đó mà phân công.

Ai thổi chính xong rồi thì quay ra làm trọng tài biên. Chúng tôi sắp xếp công việc, phân bổ thể lực hợp lý nên mọi việc cũng ổn thỏa. Tất nhiên cũng phải có một số mẹo cầm còi để giữ sức. Chứ chạy liên tục trong 5-6 tiếng đồng hồ liền thì không ai chịu nổi.

Nếu chịu khó "cày" thì một ngày làm việc như vậy, trọng tài có thể kiếm từ 300 đến 400 AUD. Thu nhập này khá hơn công nhân làm xưởng. Họ làm cả tuần mới được 600-700 AUD, còn chúng tôi chạy ngoài sân vài tiếng đã có phân nửa con số này.

Những người đi làm trọng tài đa phần đều có lòng đam mê. Chứ không hẳn người ta chỉ vì tiền. Chúng tôi đam mê nhưng cũng phải dốc sức và tận tâm cho công việc. Giám sát luôn theo dõi và đánh giá chúng tôi ở từng trận đấu. Họ chấm điểm từng cử chỉ, hành động. Từ động tác phất cờ, cách di chuyển, trao đổi với cầu thủ cho tới xử lý tình huống… Không có chuyện làm việc cẩu thả vẫn được nhận lương.

Tôi thích làm giải U hơn vì được xem nhiều tài năng trẻ thi đấu. Trong quá trình cầm còi, tôi có cơ hội gặp nhiều cầu thủ trẻ gốc Việt. Nổi bật nhất là Nathan Nguyễn đang khoác áo U.23 Brisbane Roar. Bạn này là tài năng gốc Việt sáng giá nhất hiện giờ. Nathan nhiều lần được gọi lên đội tuyển U.16, U.19 và U.20 Úc. Tôi cầm còi nhiều trận đấu có Nathan từ khi cậu bé này mới 14 tuổi. Cậu ấy hiền lành và đá kèo trái rất hay.

Tôi không nói nghề trọng tài ở Úc là hoàn hảo 100%. Tỷ lệ bỏ việc cũng không phải là thấp. Có người vì vướng gia đình, có người thì cảm thấy lương bổng không thỏa đáng. Rồi chưa kể đâu đó cũng có những vấn đề ở cấp quản lý khiến ai đó cảm thấy bất mãn. Nhưng tôi nghĩ việc này ở đâu cũng có. Nó không làm ảnh hưởng tới cục diện chung. Ai có thực lực thì họ vẫn sẽ phát triển, vẫn được gọi lên cầm còi ở A-League thôi.

Quá trình làm nghề tôi cũng được gặp gỡ và nói chuyện với Uche Iheruome, tiền đạo từng nhiều năm thi đấu và tỏa sáng ở V-League trong màu áo Khánh Hòa và Thanh Hóa. Năm 2018, cậu ấy thi đấu cho Redlands United. Bên cạnh đó, cậu ấy cũng tham gia huấn luyện và thi đấu cho đội bóng đồng hương Nigeria ở Brisbane.

Lần gặp tôi, cậu ấy tâm sự vợ mình vừa sinh, có 2 con nhỏ, 1 đứa đang học đại học, do vậy phải rời Việt Nam sang Úc phụ vợ chăm sóc con cái. Tuy nhiên, tôi chỉ gặp được Uche đúng năm ấy thôi. Sau đó tôi không còn thấy cậu ấy đâu nữa.

Làm trọng tài ở Úc có khó không?

Từng là cầu thủ nên tôi hiểu cách chơi và tiểu xảo của họ. Tôi chọn cách xử lý mềm mỏng, mềm nắn rắn buông, đối thoại chứ không đối đầu. Ví dụ, khi cầu thủ phạm lỗi quá nhiều lần và có biểu hiện mất kiểm soát, tôi sẽ gọi họ lại nhắc nhở hoặc cảnh báo. Nếu sau đó họ tiếp tục vi phạm, tôi mới rút thẻ.

Ngay từ lúc tung đồng xu, tôi đã giải thích cách mình làm việc trước để họ hiểu. Có thể hơi mất thời gian một chút nhưng vào trận nếu có vi phạm và bị phạt thẻ thì họ không bắt bẻ được mình. Càng rõ ràng thì càng dễ làm việc và ngược lại.

Tôi luôn thích trận đấu được diễn ra liên tục. Cái nào quá đáng lắm thì mình mới cắt còi, bằng không thì cứ để lợi thế. Với những tình huống cầu thủ lăng mạ, chửi bới trọng tài, tôi sẽ lập tức rút thẻ đỏ. Tôi nói điều này với họ từ đầu. Chỉ cần nghe một tiếng "fuck" thôi, cầu thủ sẽ lập tức bị truất quyền thi đấu.

Được cái cầu thủ bên này có ý thức tốt nên tôi hiếm khi rơi vào cảnh khó xử. Trên sân có thể đôi lúc họ nóng nảy phản ứng trọng tài, nhưng tất cả đều trong chừng mực cho phép, trọng tài nhắc nhở thì họ hiểu và dừng ngay.

Thỉnh thoảng cũng có ai đó nóng nảy la mắng trọng tài, tôi kéo họ lại giải thích, xử phạt rồi họ cũng hiểu ra và xin lỗi. Hành động sấn sổ vào mặt trọng tài như ở V-League nếu bị ghi nhận sẽ bị xử phạt rất nặng. Do vậy, cầu thủ ở đây ít ai dám vi phạm.

Bóng đá thì phải có sai số. Trọng tài cũng là con người, không phải cỗ máy, do vậy chúng tôi không thể làm đúng 100%. Tôi mong cầu thủ, ban huấn luyện và khán giả có cái nhìn khách quan, bao dung hơn về công việc của chúng tôi.

Sự gay gắt chỉ khiến áp lực ngày một lớn và có thể dẫn tới nhiều rủi ro hơn. Lâu dần, anh em trọng tài cũng dần mất đi niềm tin, động lực và sự nhiệt huyết để bám và cống hiến cho nghề. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà kể cả ở bên Úc này.

Về phía trọng tài, tôi khuyên anh em chịu khó trau dồi chuyên môn, liên tục cập nhật kiến thức, phân tích băng hình để rút tỉa kinh nghiệm. Phải nắm vững luật thì mới có thể tự tin cầm dẫn trận đấu. Bên cạnh đó, nếu muốn phát triển công việc ở tầm cao hơn, họ cũng cần rèn luyện thể lực và học thêm ngoại ngữ.

Christopher Beath nói fan Việt Nam "máu" quá!

Thần tượng trong nghề của tôi là ông Christopher Beath. Dù là tên tuổi lớn trong nghề nhưng cách ông ấy đối xử với đồng nghiệp rất khiêm tốn, lịch sự, hòa nhã. Tôi có dịp làm việc cùng Beath vài lần và học hỏi được nhiều điều bổ ích.

Lần nào gặp, tôi cũng nhắc lại các trận ông cầm có đội tuyển Việt Nam. Beath cười rồi nói người hâm mộ Việt Nam "máu me" quá. Lần nào đội nhà thua cũng tràn vào trang mạng xã hội của ông ấy để tấn công. Rất may ông ấy đã chỉnh tài khoản sang chế độ riêng tư nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Beath là người thành công trong nghề trọng tài ở Úc. Ông ấy có thể sống ổn từ việc cầm còi, không cần làm thêm công việc chính trong tuần. Ở Úc chỉ có 2 người làm nghề này toàn thời thời gian, còn lại đều xem đây là công việc tay trái. Một là Christopher Beath và hai là Shaun Evans. Ngoài cầm các trận A-League, họ còn được mời làm việc ở các giải quốc tế cấp CLB hoặc đội tuyển. Vừa qua ông Beath cũng đã chính thức giải nghệ ở tuổi 38 sau khi cầm còi trận chung kết A-League giữa Melbourne City và Central Coast Mariners.

Trọng tài ở Úc có thu nhập như thế nào?

Nhiều người sẽ ngại chia sẻ chuyện thu nhập, nhưng tôi thì rất thoải mái. Theo tôi nghĩ nghề trọng tài ở Úc cho thu nhập đủ sống. Tức là nếu bạn không có tham vọng, chỉ cần một khoản tiền đủ để trang trải cơ bản thì chỉ cần đi làm vào cuối tuần là đủ. Còn để lo cho gia đình, mua sắm nhà cửa tài sản… thì vẫn cần một công việc chính trong tuần.

Tôi nói một ví dụ để dễ hiểu. Trọng tài chính ở A-League mỗi trận có thể kiếm gần 1.000 AUD/trận cộng thêm công tác phí. Các trợ lý có thể kiếm một nửa con số này. Còn như tôi thổi các trận giải trẻ hoặc giải bang thì thu nhập chỉ khoảng 600-700 AUD/tuần. Tức là khoảng 2.400-2.800 AUD/tháng (tương đương khoảng 37,9 đến 44,3 triệu đồng). Con số này tương đương thu nhập của một người lao động trung bình.

Bản thân tôi ngoài làm trọng tài thì trong tuần vẫn phải đi làm ở công ty SEALY - chuyên sản xuất nệm lò xo. Trước đây, khi chưa lập gia đình, tôi nhận cầm còi 6-7 buổi trong tuần. Nhưng giờ vợ không cho đi nữa, nên chỉ còn làm thêm 2-3 buổi cuối tuần.

Lý do tôi không trở thành trọng tài FIFA

Tôi đi học trọng tài năm 26 tuổi, sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu. Ở Úc, tuổi này mới đi học là khá trễ. Giảng viên nói thẳng, muốn làm trọng tài FIFA thì phải học từ năm 12 hay 13 tuổi. Trễ lắm thì phải từ 15 hoặc 16. Còn như tôi 26 tuổi mới học thì chỉ bắt các giải trẻ hoặc dưới A-League thôi.

Trọng tài cầm A-League được đào tạo rất bài bản. Một tuần họ phải dành 2-3 đêm để tập luyện. Một đêm để rèn thể lực và một đêm để phân tích băng hình. Các trọng tài sẽ cùng nhau phân tích trận đấu cũ để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm.

Trước và giữa mùa giải họ phải trải qua các bài kiểm tra thể lực. Tương tự như vậy trước các trận bán kết và chung kết.

Có thể nói đào tạo trọng tài ở đây không khác gì đào tạo cầu thủ. Họ dạy từ cách ăn nói, ứng xử với cầu thủ, cách đi đứng, di chuyển trên sân, phổ biến và cập nhật luật… Để trở thành trọng tài FIFA và cầm trận ở A-League là điều không đơn giản.

Trọng tài ở Úc được đào tạo và bảo vệ như thế nào?

Cách đây khoảng 20 năm, các giải đấu tại Úc xảy ra tình trạng "uy hiếp" trọng tài về mặt tinh thần. Cầu thủ, ban huấn luyện và khán giả tuy không hành hung nhưng có hành động đe dọa trọng tài thông qua chửi mắng hoặc một số hành động phản cảm. Điều này từng khiến nhiều trọng tài trẻ cảm thấy sợ hãi. Một số người dừng cầm còi vì bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần.

Để xử lý vấn đề này, Hiệp hội Trọng tài tiểu bang nảy ra sáng kiến cho trọng tài trẻ mặc áo màu xanh dương (dành cho trọng tài năm nhất) khi vào trận. Ngoài ra trọng tài dưới 18 tuổi sẽ đeo thêm một băng tay màu hồng. Khi nhìn màu áo này, cầu thủ và ban huấn luyện phải tự biết điều chỉnh hành vi khi làm việc với trọng tài.

Ai vi phạm sẽ phải trả giá bằng các án phạt thích đáng. Có thể nói, ở đây họ rất chú trọng việc đào tạo và bảo vệ trọng tài. Queensland là nơi cung cấp nhiều trọng tài chất lượng cho Liên đoàn Bóng đá Úc nói riêng và Liên đoàn Bóng đá châu Á nói chung.

Tiếc nuối vì không giúp được đội tuyển nữ Việt Nam

Trọng tài Nguyễn Hải Đăng sẽ cầm còi trận giao hữu kín giữa đội tuyển nữ Mỹ với Úc vào ngày 18.7.2023. Đây được coi là cữ dượt cuối của 2 đội tuyển trước thềm VCK World Cup nữ 2023.

Chia sẻ với Thanh Niên, trọng tài sinh năm 1989 nói: "Biết tin được thổi trận này, tôi cảm thấy quá vui và may mắn. Mỹ nằm cùng bảng đấu với Việt Nam, Hà Lan và Bồ Đào Nha thi đấu bên New Zealand. Nhưng bên đó không có nhiều đối thủ đủ mạnh để họ cọ xát, thế nên Liên đoàn Bóng đá Mỹ quyết định cho đội tuyển sang Úc tập huấn, chuẩn bị. Liên đoàn bóng đá 2 nước này cũng có mối quan hệ khá thân thiết".

"Đợt này, tôi cũng cảm thấy tiếc vì không giúp gì được cho đội tuyển nữ nước mình. Nếu Việt Nam đá bảng ở Úc, tôi sẽ giúp xin sân bãi tập luyện và tìm kiếm đối thủ giao hữu xứng tầm cho thầy trò HLV Mai Đức Chung", anh bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm