Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trực thăng quân sự Mỹ lần đầu bay không cần phi công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên từ trước đến nay, một chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk có thể tự bay mà không có phi công ngồi trong khoang.

Một chiếc trực thăng UH-60A Black Hawk được điều chỉnh đã lần đầu tiên bay mà không cần người nào trên khoang lái. Theo Defense News ngày 9.2, đây là chương trình thử nghiệm Hệ thống tự động trong buồng lái ALIAS do Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) hợp tác cùng hãng Sikorsky thực hiện.
 

 Chiếc UH-60A Black Hawk cất cánh mà không có người trên khoang. Ảnh: Lockheed martin
Chiếc UH-60A Black Hawk cất cánh mà không có người trên khoang. Ảnh: Lockheed martin


Hãng sản xuất trực thăng thuộc tập đoàn Lockheed Martin này cùng DARPA phát triển ALIAS trong 6 năm và trong những lần trước luôn có ít nhất một phi công trên trực thăng để đề phòng, tuy chiếc trực thăng tự bay hoàn toàn.

Chuyến bay không người đầu tiên kéo dài 30 phút, được thực hiện tại căn cứ Fort Campbell, bang Kentucky vào ngày 5.2 và một chuyến ngắn hơn vào ngày 7.2.

Trực thăng tự thực hiện các thao tác kiểm tra trước khi bay, cất cánh và điều khiển thông qua hệ thống mô phỏng LiDAR, giả lập địa hình tại thành phố New York. Trong chuyến bay, trực thăng đã tự bay qua các tòa nhà giả lập và sau đó hạ cánh.

 

 Chiếc trực thăng tự vận hành mà không có người bên trên. Ảnh: DARPA
Chiếc trực thăng tự vận hành mà không có người bên trên. Ảnh: DARPA


Theo Defense News, ALIAS sử dụng công nghệ tự hành MATRIX của Sikorsky để giúp phi công bay trong các môi trường hạn chế tầm nhìn hoặc thiếu liên lạc đáng tin cậy.

Sikorsky thông báo ALIAS có mục đích hỗ trợ thực hiện toàn bộ một nhiệm vụ, từ cất cánh cho đến hạ cánh, gồm khả năng tự hoạt động trong các tình huống khẩn cấp như hệ thống máy bay gặp sự cố.

Công nghệ tự lái sẽ giúp giảm khối lượng công việc cho phi công, tăng độ an toàn và đặt nền móng cho các năng lực tự hành khác. ALIAS mang lại tính linh hoạt trong hoạt động của lục quân Mỹ, gồm khả năng sử dụng máy bay bất kể ngày đêm, có phi công hoặc không và trong nhiều điều kiện môi trường nguy hiểm hay hạn chế tầm nhìn. Nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn hàng không của lục quân Mỹ là kết hợp của lỗi con người và môi trường tầm nhìn hạn chế.

DARPA và Sikorsky đã đầu tư khoảng 160 triệu USD cho chương trình ALIAS và dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.

 

Theo Vi Trân (TNO)

Có thể bạn quan tâm