Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Trung Đông 'nín thở' trước kịch bản Iran tấn công Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, việc Iran tấn công trả đũa Israel được cho là điều không thể không xảy ra, khiến nhiều bên phải chuẩn bị ứng phó.

Hôm qua (13.8), CNN đưa tin Mỹ và Israel đang chuẩn bị ứng phó một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran nhằm vào Israel.

Israel phóng tên lửa đánh chặn tên lửa và UAV của Iran hồi tháng 4

Israel phóng tên lửa đánh chặn tên lửa và UAV của Iran hồi tháng 4

Cuộc tấn công khó tránh ?

Theo đó, Nhà Trắng ngày 12.8 (theo giờ Mỹ) thông báo Washington chia sẻ những lo ngại và dự báo của Israel về một cuộc tấn công từ Iran trong những ngày tới. Đồng thời, Washington thông tin về việc tăng cường thêm lực lượng Mỹ trong khu vực để chuẩn bị cho một cuộc trả đũa từ Tehran. Trong đó, Lầu Năm Góc vừa điều động tàu ngầm đến khu vực.

"Thật khó để xác định thời điểm cũng như cách thức mà Iran cùng các lực lượng thân với họ tiến hành tấn công như thế nào", CNN dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho biết.

Trong khi đó, các bên đang thúc đẩy hòa đàm giữa Israel và Hamas. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ làm dịu căng thẳng từ Iran. Tuy nhiên, phái đoàn Iran tại LHQ vừa khẳng định việc Tehran trả đũa Tel Aviv do đã sát hại Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (khi ông này đang thăm Iran) là "hoàn toàn không liên quan lệnh ngừng bắn ở Gaza". Phái đoàn Iran tại LHQ cũng nhấn mạnh nước này có quyền tự vệ.

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Times of Israel dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ và Israel khẳng định Iran đã chuẩn bị sẵn sàng các đơn vị tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công Israel. Đây cũng là cách thức mà Iran đã dùng để đột kích Israel hồi tháng 4 nhằm đáp trả vụ không kích mà họ cho là Israel thực hiện nhằm vào cơ sở ngoại giao của Tehran ở Damascus (thủ đô Syria) ngày 1.4, khiến 7 sĩ quan Iran thiệt mạng, bao gồm 2 tướng.

Với khoảng cách lên đến 1.200 km, Iran gần như không có khả năng điều động chiến đấu cơ bay trực tiếp đến Israel để tấn công. Đó là vì khoảng cách trên vượt quá tầm tác chiến của chiến đấu cơ Iran. Vì thế, nếu sử dụng không quân thì Tehran buộc phải điều động máy bay tiếp dầu trên không - vốn cần sự hộ tống của nhiều chiến đấu cơ và có khá nhiều rủi ro với lực lượng không quân kém hiện đại của Iran.

Từ bài học tháng 4

Hồi tháng 4, cụ thể, ngày 13.4, Iran đã phóng tổng cộng hơn 300 tên lửa và UAV hướng đến lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, phía Tel Aviv thông báo đã đánh chặn thành công 99% tên lửa và UAV từ Iran. Đây là kết quả từ sự phối hợp không chỉ từ Israel mà còn có Mỹ cùng các đồng minh.

Lược đồ khu vực

Lược đồ khu vực

Trong đó, phần lớn tên lửa bị đánh chặn ngoài lãnh thổ Israel, chủ yếu nhờ vào hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa vừa nêu cùng với các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út đủ sức phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới.

Chính vì thế, để không tái diễn bài học cũ, Iran có lẽ phải điều động tên lửa và UAV đến Iraq, Li Băng, Syria vốn là những quốc gia có các lực lượng thân Tehran. Khi tấn công từ các quốc gia vừa nêu, tên lửa và UAV của Iran sẽ rút ngắn được quãng đường di chuyển và hạn chế việc bị đánh chặn từ vòng ngoài bởi Mỹ cùng đồng minh ở khu vực.

Kết hợp thêm, những lực lượng thân Iran như Hezbollah (Li Băng), Hamas (Palestine), Houthi (Yemen), một số nhóm vũ trang ở Syria và Iraq có thể tấn công ở nhiều hướng nhằm kéo mỏng lực lượng Israel và Mỹ.

Với một kịch bản như vậy, Iran cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, bao gồm việc lên kế hoạch với các lực lượng thân Tehran, cũng như vận chuyển vũ khí đến các vị trí trên. Việc vận chuyển vũ khí chắc chắn không hề dễ dàng khi Israel cùng Mỹ chắc chắn sẽ giám sát chặt chẽ mọi diễn biến ở khu vực.

Phó tổng thống Iran từ chức

Phó tổng thống Iran phụ trách các vấn đề chiến lược Mohammad Javad Zarif (ảnh) đã từ chức dù mới được bổ nhiệm vào đầu tháng 8, tờ Tehran Times hôm qua dẫn thông báo của vị quan chức cho biết. Quyết định được đưa ra sau khi danh sách 19 ứng viên bộ trưởng được trình lên quốc hội xem xét thông qua. Ông Zarif nói rằng cảm thấy thất vọng vì bản thân ông trên cương vị đứng đầu hội đồng sàng lọc đã không hoàn thành cam kết đưa phụ nữ, thanh niên và các nhóm dân tộc thiểu số vào danh sách. Ông nói sẽ không tham gia chính trị nữa và sẽ quay lại làm giáo sư đại học. Ông tái khẳng định sự ủng hộ cho Tổng thống Masoud Pezeshkian và kêu gọi người dân ủng hộ chính quyền mới. Ông Zarif là Ngoại trưởng Iran giai đoạn 2013 - 2021 và được biết đến với vai trò giúp đạt thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Vi Trân

Trung Đông 'nín thở' trước kịch bản Iran tấn công Israel ảnh 3

Theo Hoàng Đình (TNO)

Có thể bạn quan tâm