Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trung Quốc cải tạo đảo, phá hủy môi trường Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo giáo sư John McManus, những hoạt động hủy hoại hệ sinh thái ở Scarborough, ở Hoàng Sa, Trường Sa phần lớn là do Trung Quốc gây ra.

Tòa trọng tài Quốc tế “gọi tên” Trung Quốc

Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý ở Biển Đông nêu rõ, Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với cái gọi là “đường chín đoạn” tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

 

Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.


Tòa Trọng tài Quốc tế cũng chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt”.

Toà cho rằng, nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rạn san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.

Tuy nhiên, sau khi phán quyết từ tòa PCA được công bố, bằng ngôn từ “bất chấp”, Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải" của nước này ở các vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng.

Tại hội thảo khoa học quốc tế về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” diễn ra tại Hải Phòng ngày 11 và 12-10, các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung quan ngại rằng các yếu tố nguy hiểm nhất trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông không chỉ là các hoạt động xây đảo nhân tạo, các tuyên bố chủ quyền hoặc các mối đe dọa tới sự tự do hàng hải, hàng không mà còn là hoạt động cạnh tranh khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản vốn đang bị cạn kiệt nhanh chóng, phá hủy môi trường biển.

Tàu Trung Quốc phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông như thế nào?

 

Giáo sư John McManus.
Giáo sư John McManus.


Đưa ra dẫn chứng cụ thể, giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, John McManus nói: “Ở bãi cạn Scarborough (bãi cạn Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012), Trung Quốc chẳng những cho tàu quây kín không cho ngư dân Philippines đánh bắt cá mà nước này còn cho tàu các tàu có các lưỡi cắt để đào sâu xuống đáy biển nhằm khai thác loài trai khổng lồ”.

“Những rạn san hô ở Biển Đông đẹp như những vườn hoa, có thể nói là đẹp nhất trên thế giới. Nhưng khi tàu của Trung Quốc đến đây để đánh bắt loài trai khổng lồ thì họ đã tạo nên những rặng núi hình vòng cung từ cát và san hô chết”-giáo sư McManus nói.

Theo giáo sư Mc Manus, những khu vực rạn san hô sống gần đó sớm muộn cũng sẽ bị chết khi cát và bùn từ các hoạt động nạo vét và công trình xây dựng bao phủ chúng. Phải mất cả nghìn năm để các rạn san hô làm việc tạo ra một mét sỏi, cát và bùn quanh chúng và vì vậy những nơi mà cát, sỏi, bùn và san hô bị nạo vét đi sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.

Trung Quốc nói dối về hoạt động khai thác ở Biển Đông

“Trung Quốc nói dối các nhà khoa học rằng họ chỉ xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô đã chết, nhưng vì sao chúng chết? Chính các tàu của Trung Quốc khai thác trai khổng lồ là thủ phạm cướp đi sự sống của các rạn san hô ở Biển Đông. Họ không thể bao biện cho điều này. Những hoạt động hủy hoại hệ sinh thái ở Scarborough, ở Hoàng Sa, Trường Sa phần lớn là do Trung Quốc gây ra, những nước khác chỉ có một phần nhỏ trách nhiệm trong vấn đề này”- giáo sư Mc Manus nói.

 

Giáo sư McManus trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo


Theo ước tính, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.

Giáo sư McManus cho rằng, những thiệt hại từ các hoạt động khai thác trai khổng lồ cùng với hoạt động đánh bắt tận diệt tại Biển Đông còn làm suy sảm số loài thủy sản và gây ra nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài. Điều này có nghĩa là nguồn cá để nuôi sống một bộ phận dân số các nước ven Biển Đông sẽ thiếu hụt, do đó làm gia tăng nguy cơ về an ninh lương thực.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề nêu trên, giáo sư McManus nói: “Một nước đánh bắt quá nhiều thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến các nước khác. Nó cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày, khi cơ hội trao cho bạn nhiều hơn thì cơ hội dành cho người khác sẽ ít đi. Vì thế nên cách tốt nhất ở đây là phải dừng ngay những tuyên bố chủ quyền phi lý.

Nếu không muốn nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, các nước liên quan cần phải ngồi lại với nhau để tính toán lại, phối hợp xây dựng kế hoạch đánh bắt ở Biển Đông. Chúng ta cần một thỏa thuận hòa bình, có thể kéo dài 30 năm rồi gia hạn và tiến tới thỏa thuận quản lý Biển Đông về nguồn lợi thủy sản.


Theo tôi, cần phải có một công viên xanh để bảo tồn đa dạng sinh học ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là điều dễ thực hiện bởi chắc chắn nó sẽ vấp phải sự phản đối của các nước có lợi ích trực tiếp khi nguồn thu của họ bị ảnh hưởng”.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm