Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trung Quốc lại làm nóng Biển Đông bằng dự luật cho cảnh sát biển dùng vũ khí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự thảo luật cảnh sát biển của Trung Quốc được Quốc hội nước này công bố ngày 6-11 khiến nhiều quốc gia có tranh chấp biển với Trung Quốc quan tâm. Trong đó, Việt Nam cần phải đặc biệt theo dõi diễn biến của dự luật mới này của Bắc Kinh.

 Một tàu cá Quảng Ngãi tố bị tàu Trung Quốc đâm va ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam tháng 6-2020 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Một tàu cá Quảng Ngãi tố bị tàu Trung Quốc đâm va ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam tháng 6-2020 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ


Theo dự luật này, cảnh sát biển của Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài được cho là vi phạm vào "vùng biển của Trung Quốc" trong hai trường hợp: trong tình huống khẩn cấp hoặc khi các lời cảnh báo của Trung Quốc (như yêu cầu dừng tàu và cho cơ quan chức năng của Trung Quốc lên tàu kiểm tra) bị phớt lờ.

Đe dọa ngư dân Việt Nam

Nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ trao cho cảnh sát biển một quyền lực lớn, đáng quan ngại và gây nguy hiểm cho các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông.

Khái niệm "vùng biển của Trung Quốc" là một khái niệm gây tranh cãi. Trung Quốc chỉ có các tuyên bố chung chung về các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình nhưng chưa từng nêu phạm vi địa lý cụ thể của các vùng biển này.

Nếu Trung Quốc dựa vào đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) để ám chỉ "vùng biển của Trung Quốc", đây là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vì tính pháp lý của đường 9 đoạn đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.

Nếu Trung Quốc dựa vào các vùng biển được thành lập từ các thực thể tại Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để xác định "vùng biển" của nước này, đây cũng là hành vi trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Nếu Trung Quốc dựa vào tuyên bố thành lập các chính quyền Tứ Sa để gián tiếp cho quyền kiểm soát các vùng biển trên Biển Đông, đây cũng là hành vi đi ngược lại các tập quán quốc tế thông thường khi một tuyên bố đơn phương gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia có liên quan không thể tạo thành một cơ sở pháp lý cho việc tuyên bố chủ quyền.

Do đó, chính sự mơ hồ trong việc xác định "vùng biển của Trung Quốc" sẽ dẫn đến sự tùy tiện của cảnh sát biển Trung Quốc trong việc sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài trong vùng biển mà họ tự cho đó là "vùng biển của Trung Quốc". Điều này đặc biệt nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam.

Cảnh sát biển Trung Quốc từng nhiều lần đâm và cướp phá các tàu cá của Việt Nam. Nghiêm trọng là sự kiện tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, ngư dân Việt Nam bị đánh đập khi đang khai thác trong vùng biển tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc đồng thời cũng tuyên bố chủ quyền) vào tháng 6 vừa qua.

Như vậy, việc trao một quyền lực lớn trong việc sử dụng vũ khí cho cảnh sát biển Trung Quốc có thể xem là một hành vi đe dọa trực tiếp đến an nguy của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Âm mưu của Bắc Kinh

Dự luật cảnh sát biển mới này của Bắc Kinh thể hiện rõ các tính toán khôn ngoan trong việc biến Biển Đông thành vùng biển nằm dưới sự kiểm soát của mình.

Với việc mở rộng thẩm quyền sử dụng vũ khí của cảnh sát biển Trung Quốc, Bắc Kinh nhắm vào các đối tượng dễ bị tổn thương là ngư dân của các quốc gia nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam, hơn là các tàu chiến của các quốc gia đang đi lại tại Biển Đông.

Điều này sẽ giúp Trung Quốc tránh được việc sử dụng vũ lực, hành vi có thể dẫn đến sự phòng vệ chính đáng từ quân đội của các quốc gia trong khu vực hoặc cơ chế tự vệ tập thể có sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực, trong đó có Mỹ.

Như vậy, Bắc Kinh sẽ không cần phải tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang không cần thiết nhưng vẫn có thể từ từ, theo thời gian, kiểm soát vùng Biển Đông, trước hết là thông qua lực lượng cảnh sát biển của mình.

Do đó, với một khái niệm chưa được thống nhất và đồng ý từ các quốc gia có liên quan, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc trên Biển Đông (trong đó có Việt Nam), dự luật cho phép mở rộng quyền sử dụng vũ khí của cảnh sát biển Trung Quốc, sẽ làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa các bên, phức tạp hóa các tranh chấp tại đây, đi ngược hoàn toàn với tinh thần hòa bình và kiềm chế được nêu ra tại Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc luôn lớn tiếng kêu gọi các bên tôn trọng.

Như vậy, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm và theo dõi sát sao sự phát triển của dự luật cảnh sát biển mới của Trung Quốc để có các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền mà trước hết là sự an toàn của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông.

Các biện pháp ngoại giao, đàm phán song phương, đa phương thông qua ASEAN là hết sức cần thiết.

 


Việt Nam bảo vệ ngư dân

Ngày 3-11, Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến ASEAN - Trung Quốc về "Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân". Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực hiện quy định liên quan của DOC.

Tại cuộc họp báo ngày 5-11, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam cho biết thông qua hội thảo này, Việt Nam muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực và ASEAN về việc tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam và các nước đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình.

Thạc sĩ luật quốc tế PHẠM NGỌC MINH TRANG (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM)
(Dẫn nguồn TTO)

Có thể bạn quan tâm