Trung Quốc vừa tự ý định nghĩa lại một quy định hàng hải để gia tăng kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc vừa ngang nhiên định nghĩa lại vùng biển bao gồm một phần thuộc quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Reuters |
Tờ South China Morning Post hôm qua 1.8 đưa tin Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này nhằm định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”. Khu vực hàng hải này, được Trung Quốc đưa ra từ năm 1974, thiết lập cái gọi là “Khu vực hàng hải Hải Nam - Tây Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa), có phạm vi giới hạn từ 2 điểm trên đảo Hải Nam đến 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sự thay đổi thuật ngữ xuất hiện trong phiên bản sửa đổi của quy định trên có hiệu lực từ ngày 1.8.
Một số nhà quan sát nhận định việc thay đổi ngôn từ như trên là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh muốn gia tăng kiểm soát vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Tờ South China Morning Post dẫn lời TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận định: “Động thái này không gây bất ngờ, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông báo lập quận hành chính đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Tìm cách làm suy yếu COC Trung Quốc vừa sửa đổi thuật ngữ, để định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”. Động thái này nhằm củng cố cho các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông bằng cách tự đặt ra quyền kiểm soát hành chính cho vùng biển. Bắc Kinh có lẽ đang hướng đến mục tiêu là tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngô Minh Trí (thực hiện) |
Trước đó, ngày 18.4, Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ ngày 1 - 5.7, quân đội Trung Quốc ngang nhiên tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Liên quan tình hình Biển Đông, Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O’Farrell ngày 30.7 nhấn mạnh Canberra quan ngại sâu sắc về những hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này đang gây bất ổn và có thể làm leo thang căng thẳng, theo Hãng tin PTI. Sau đó, viết trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông phản đối phát biểu của ông O’Farrell. Đáp lại, ông O’Farrell ngày 31.7 viết trên Twitter, nhắc nhớ ông Tôn tuân thủ phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và kiềm chế những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Trước các hành động của Trung Quốc, tờ Nikkei Asian Review ngày 1.8 dẫn lời Tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai những hệ thống vũ khí mới mà giới chuyên gia cho rằng có thể chống lại chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. “Chúng ta sẽ có tên lửa tầm trung có khả năng đánh chìm tàu. Chúng tôi nghĩ rằng tên lửa đó rất quan trọng cho việc đối phó những khả năng A2/AD mà chúng ta đang đối mặt”, tướng McConville nhấn mạnh trong cuộc thảo luận được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố ngày 31.7.
Theo VĂN KHOA (thanhnien)