Theo đó, sau khi đạo luật an ninh được bỏ phiếu thông qua, Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu đã phát biểu: “Hôm nay là thời khắc lịch sử đối với Hồng Kông”. Cụ thể, luật mới quy định 39 tội danh được chia thành 5 nhóm bao gồm tội phản quốc, nổi loạn, kích động nổi loạn, trộm cắp bí mật nhà nước và gián điệp.
Được biết, luật này cũng áp dụng một số điều với người Hồng Kông ở nước ngoài. Ngoài ra, luật an ninh Hồng Kông sẽ có hiệu lực song song với luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc thông qua năm 2020.
Mức án cho các tội danh phản quốc, nổi loạn, kích động nổi loạn và cấu kết với thế lực bên ngoài để phá hoại cơ sở hạ tầng công cộng là 4 tội danh có thể bị tuyên án lên đến tù chung thân.
Ngay sau khi được đề xuất, luật mới đã được thông qua với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Trung Quốc đã đưa ra những bình luận cứng rắn chỉ trích cáo buộc của phương Tây về luật này.
Các nhà lập pháp Hồng Kông biểu quyết trong phiên họp thông qua luật an ninh quốc gia mới. Ảnh: AFP |
Theo đó, ngày 20-3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết, Bắc Kinh kêu gọi Anh ngừng đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ” về luật an ninh mới được thông qua ở Hồng Kông. Theo đó, Trung Quốc cho biết, Hồng Kông “hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc” và “phía Anh không đủ tư cách để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm đó”.
Lý giải cho những phản bác này, trước đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã cho rằng, luật “hấp tấp” này sẽ có tác động sâu rộng và làm tổn hại thêm đến quyền lợi và tự do của người dân ở Hồng Kông.
Trong khi đó, Mỹ cũng cho biết đang đánh giá các rủi ro từ việc Hồng Kông thông qua luật an ninh quốc gia cứng rắn này, trong đó gồm những cụm từ mà Washington cáo buộc “cực kỳ mơ hồ”. “Chúng tôi cho rằng những hành động như vậy có khả năng đẩy nhanh việc đóng cửa xã hội từng cởi mở của Hồng Kông”, người phát ngôn Vedant Patel của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Anh lại không tuyên bố các biện pháp đối phó ngay lập tức đối với đạo luật này.