Ngày 3/11, tên lửa đẩy Trường Chinh-4B đã mang theo vệ tinh Cao Phân-7 bay vào không gian, đây là vệ tinh có khả năng chụp và truyền những hình ảnh 3D phục vụ mục đích dân sự đầu tiên của Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-4B mang theo vệ tinh Cao Phân-7 rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, ngày 3/11. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 3/11, Trung Quốc đã phóng vệ tinh quan sát Trái Đất mới mang tên Cao Phân 7 (Gaofen).
Theo Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), vệ tinh này có vai trò quan trọng trong quá trình thu thập các dữ liệu phục vụ công tác điều tra thống kê, trắc đạc và thiết lập bản đồ đất đai, hỗ trợ công tác xây dựng đô thị và nông thôn.
Tân Hoa xã dẫn thông báo của CNSA cho biết tên lửa đẩy Trường Chinh-4B (Long March) đã mang theo vệ tinh Cao Phân-7 bay vào không gian lúc 11 giờ 22 phút (theo giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.
Đây là vệ tinh có khả năng chụp và truyền những hình ảnh 3D phục vụ mục đích dân sự đầu tiên của Trung Quốc.
Cả vệ tinh Cao Phân-7 và tên lửa đẩy Trường Chinh-4D đều là sản phẩm do Công ty Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc phát triển.
Công ty này do Viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc và Viện Công nghệ du hành vũ trụ Thượng Hải phối hợp thành lập.
Bộ Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Bộ Phát triển nhà ở và đô thị-nông thôn và Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc sẽ là những đơn vị chủ chốt sử dụng vệ tinh này.
Theo CNSA, so với thế hệ các vệ tinh Cao Phân trước, điểm vượt trội của Cao Phân-7 là hệ thống công nghệ camera 3D cho hình ảnh độ phân giải cao, đáp ứng yêu cầu cao nhất về tính chính xác trong việc lập bản đồ với tỷ lệ 1:10.000.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)