Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trung Quốc tập trận mô phỏng tấn công tàu sân bay Mỹ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc được cho là đã mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào tàu sân bay Mỹ trong cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan 3 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Theo cơ quan quốc phòng Đài Loan, quân đội Trung Quốc đưa 11 chiếc máy bay vào góc Tây Nam của ADIZ hòn đảo này vào ngày 23-1 và 15 máy bay vào cùng khu vực trong ngày hôm sau.

Những người nắm thông tin tình báo cho biết những chiếc máy bay ném bom này và 1 số chiến đấu cơ liên quan đang tiến hành cuộc tập trận có liên quan đến nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Báo Financial Times dẫn một nguồn tin tiết lộ máy bay Trung Quốc giữ khoảng cách hơn 250 hải lý với con tàu của Mỹ và đi theo con tàu mọi lúc.

Những người này nói thêm các phi công của máy bay ném bom H-6 xác nhận lệnh nhắm mục tiêu mô phỏng và phóng tên lửa chống hạm nhắm vào tàu sân bay của Mỹ.

Tiết lộ này nhấn mạnh sự cạnh tranh quân sự căng thẳng giữa 2 cường quốc xung quanh đảo Đài Loan và biển Đông vẫn chưa dịu bớt. Điều này đặt ra thách thức đối với bất kỳ nỗ lực nào mà chính quyền ông Biden có thể thực hiện nhằm cải thiện quan hệ của Mỹ với Bắc Kinh.

 

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: Reuters


Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh vẫn không muốn mạo hiểm xung đột với Mỹ, việc Trung Quốc phát triển các tên lửa có khả năng nhắm vào tàu và máy bay của Mỹ trong khu vực đang buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược ở châu Á.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nói nhóm tấn công tàu USS Theodore Roosevelt đã theo dõi chặt chẽ các cuộc diễn tập của Trung Quốc và khẳng định chúng không gây ra mối đe dọa nào.

"Tuy nhiên, các hoạt động của Trung Quốc là động thái mới nhất trong 1 chuỗi các hành vi hung hăng và bất ổn. Chúng phản ánh quân đội nước này đang cố gắng dùng vũ lực làm công cụ đe dọa hoặc ép buộc những người hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế, bao gồm các nước láng giềng của Trung Quốc và những nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh" - phát ngôn viên Mike Kapka của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương nhận định.


 

 Úc sẽ giám sát chặt chẽ các diễn biến ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Úc sẽ giám sát chặt chẽ các diễn biến ở biển Đông. Ảnh: Reuters


Trong 1 diễn biến khác, chiến hạm và chiến đấu cơ Úc sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc cảnh báo rằng việc Đài Loan tuyên bố độc lập "có nghĩa là chiến tranh".

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc nói: "Chiến hạm và chiến đấu cơ Úc sẽ tiếp tục tập trận theo pháp luật quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm cả ở biển Đông. Chúng tôi ủng hộ những nước khác làm điều tương tự".

Các bình luận trên nhằm trả lời các câu hỏi về sự xuất hiện của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ và liệu chính quyền mới của ông Biden có yêu cầu Úc tham gia cùng nhóm này ở biển Đông không hay Úc sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận riêng.

 

Theo Bảo Hạnh (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm