Việc Trung Quốc xây trại quân sự và điều hàng trăm binh sĩ tới Afghanistan được cho không chỉ hỗ trợ quốc gia láng giềng chống khủng bố mà còn đảm bảo cho quá trình phát triển của sáng kiến "Vành đai và Con đường" do ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Quân đội Trung Quốc diễn tập. |
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã bắt đầu cho triển khai xây dựng một trại huấn luyện quân sự cho quân đội Afghanistan ở hành lang Wakhan.
Điều đáng nói, ngay sau khi trại huấn luyện quân sự hoàn thành xây dựng, quân đội Trung Quốc sẽ cho điều động hàng trăm quân nhân tới khu vực hành lang Wakhan ở Afghanistan.
Một nguồn tin tiết lộ với SCMP rằng, ít nhất quân đội Trung Quốc cũng sẽ cho huy động 1 tiểu đoàn tới hành lang Wakhan. Thông thường, một tiểu đoàn của Trung Quốc có hơn 500 quân.
Hành lang Wakhan vốn là một dải đất nhỏ và hẹp, hiếm người qua lại và dài khoảng 350 km nối tỉnh phía bắc Badakhshan của Afghanistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Do đó với sự xuất hiện của trại huấn luyện, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, quân đội Trung Quốc hiện diện ở Afghanistan.
Còn trong những năm gần đây, Afghanistan ngày càng nắm vai trò quan trọng đối với nền an ninh quốc gia của Trung Quốc cũng như sáng kiến thúc đẩy thương mại và cơ sở hạ tầng mang tên “Vành đai và Con đường” do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khởi xướng.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã cho thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia Sừng châu Phi Djibouti. Căn cứ này được Bắc Kinh miêu tả là một tiền đồn hậu cần quân sự giúp các tàu thuyền của Trung Quốc có thể tiếp nhiên liệu trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo trên Ấn Độ Dương.
Theo các nguồn tin giấu tên, quân đội Trung Quốc đã cử hơn 500 người tới Djibouti. Đa số những người được Trung Quốc cử tới Djibouti là kỹ sư, công nhân xây dựng cùng số ít binh sĩ để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Cũng theo nguồn tin trên, trại huấn luyện ở Afghanistan sẽ đảm nhận vai trò hoàn toàn khác biệt so với căn cứ ở Djibouti. Bởi căn cứ ở Afghanistan nằm gần với khu tự trị Tân Cương, khu vực chính quyền Bắc Kinh lâu nay xem là gốc rễ của “3 lực lượng” ly khai, khủng bố và cực đoan. Trong những năm gần đây, nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu cũng đã liên tiếp xảy ra ở Tân Cương.
“Quá trình xây dựng căn cứ ở Afghanistan đã được triển khai và Trung Quốc sẽ cho điều động ít nhất là 1 tiểu đoàn tới khu vực này cùng với các trang thiết bị và vũ khí nhằm hỗ trợ đào tạo cho binh lính Afghanistan”, một nguồn tin giấu tên cho hay.
Theo người này, chưa rõ khi nào Trung Quốc sẽ cho mở cửa căn cứ ở Afghanistan, song dù dự án này có “đắt đỏ thì nó cũng vô cùng đáng giá” với chính quyền Bắc Kinh.
Hồi tháng Một, hãng tin Ferghana News của Nga cho hay, Bắc Kinh sẽ tài trợ tiền để xây một căn cứ quân sự mới ở Badakhshan sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Afghanistan cùng đồng thuận tăng cường các nỗ lực chống khủng bố trong cuộc gặp năm 2017.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ có kế hoạch xây “một căn cứ quân sự mới” ở Afghanistan. Bắc Kinh chỉ khẳng định vẫn viện trợ và hỗ trợ cho Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Li Jie cho rằng dù Trung Quốc vẫn tăng cường triển khai các biện pháp chống khủng bố, nhưng quốc gia này cũng cần mở rộng hợp tác với các quốc gia khác tại Trung Á và Trung Đông.
“Nếu Trung Quốc muốn loại bỏ ‘3 lực lượng’, họ cần có có thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Đặc biệt, quân đội Trung Quốc lại không thông thuộc địa hình cũng như cuộc sống ở Afghanistan do đó, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là cách tốt nhất giúp đôi bên cùng có lợi”, ông Li nhận định.
Hồi tháng Hai, nhà nghiên cứu Ahmad Bilal Khalil tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Khu vực ở thủ đô Kabul cho hay trong 3 năm qua, Trung Quốc đã chi hơn 70 triệu USD để hỗ trợ quân sự cho Afghanistan. Nói cách khác, Bắc Kinh lo ngại sự bất ổn ở quốc gia láng giềng có thể làm ảnh hưởng xấu tới lợi ích kinh tế ngày càng lớn trong khu vực.
Nhà phân tích quân sự tại Hong Kong, ông Song Zhongping cũng có chung quan điểm khi cho rằng, sự xuất hiện của trại huấn luyện quân sự ở Afghanistan sẽ mang lại lợi ích cho cả quân đội Trung Quốc – Afghanistan.
“Chức năng chính của căn cứ huấn luyện là tăng cường quan hệ hợp tác chống khủng bố và trao đổi quân sự giữa Bắc Kinh và Kabul. Đây cũng là một phần trong nỗ lực ngăn chặn các phần tử ly khai xâm nhập vào khu tự trị Tân Cương. Afghanistan hiện còn yếu kém trong công tác chống khủng bố. Chính phủ Afghanistan cũng đang lo ngại sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tay súng Taliban, nhưng họ lại không thể làm được gì nếu như không có sự hỗ trợ từ phía Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác”, ông Song chia sẻ.
Cũng theo ông Song, Trung Quốc và Afghanistan đồng thuận hợp tác chống khủng bố là vì họ có chung mối quan ngại về việc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) liên hiệp với lực lượng Taliban.
Trong khi đó, không ít lần Bắc Kinh cáo buộc ETIM, tổ chức do các tay súng người Duy Ngô Nhĩ thành lập, là thủ phạm gây ra các vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương.
Còn theo ông Li Wei, chuyên gia chống khủng bố tại Viện các mối quan hệ quốc tế đương đại ở Trung Quốc, ngoài hỗ trợ quân sự, Bắc Kinh còn tăng cường hợp tác kinh tế với Afghanistan, quốc gia vốn dồi dào nguồn tài nguyên với hơn 1.400 khoáng thể.
“Phát triển kinh tế và quốc phòng là nền tảng cơ bản cho lợi ích song phương. Do đó, cả hai nước tập trung vào hợp tác an ninh”, ông Li nói.
Đây cũng là một phần trong lý do Trung Quốc để Afghanistan đảm nhận vai trò quan sát viên trong khối an ninh khu vực mang tên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải kể từ năm 2012.
Minh Thu (lược dịch/infonet)