Ngày 14-4, một quan chức thuộc trung tâm nghiên cứu khoa học Syria bị không kích bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh đã phủ nhận cơ sở này sở hữu vũ khí hóa học.
Cảnh đổ nát tại Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Barzeh, ngoại ô phía đông bắc Damascus sau cuộc tấn công của Mỹ-Anh-Pháp ngày 14-4. |
Tại khu vực Trung Đông cho hay, phát biểu với phóng viên tại hiện trường sau vụ không kích vào trung tâm, ông Saeed Saeed, người đứng đầu Trung tâm phát triển dược phẩm và hóa học, cho biết trung tâm này đã được Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) sử dụng vào năm 2013.
Theo ông Saeed, tòa nhà ở khu vực Barzeh phía Đông Damascus này khi đó đã là nơi làm việc của nhóm chuyên gia OPCW ở Syria. Và nếu tòa nhà có chứa vũ khí hóa học, như tuyên bố của Mỹ, thì ông và các đồng nghiệp khác sau vụ không kích không thể đứng ở đây mà không đeo mặt nạ phòng độc.
OPCW đã có mặt ở Syria vào cuối năm 2013 khi quân đội Syria đồng ý chuyển giao kho vũ khí hóa học. Đến tháng 6/2014, toàn bộ kho vũ khí hóa học của quân đội Syria đã được bàn giao cho OPCW. Tuy nhiên, đến nay các nước phương Tây vẫn liên tục cáo buộc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công, bất chấp việc chính quyền Damascus nhiều lần bác bỏ chưa bao giờ sử dụng loại vũ khí như vậy.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 14/4, các thanh sát viên OPCW đã đến Damascus để bắt đầu công tác điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hồi tuần trước.
Nhóm chuyên gia sẽ có nhiệm vụ xác định rằng liệu một vụ tấn công vũ khí hóa học có xảy ra tại đây hay không, chứ không phải xác định đối tượng chịu trách nhiệm. Hiện chính phủ Syria khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhóm chuyên gia này trong quá trình điều tra.
Cả Nga và Syria đều cho rằng vụ không kích Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp chính là nhằm cản trở tiến trình điều tra tại thực địa của nhóm chuyên gia OPCW, khi mà vụ việc tại Douma là kế hoạch được dàn dựng trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria.
Theo TTXVN/Vietnam+