Xã hội

Trung thu năm ấy ở làng Hà Đừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vào dịp Trung thu cách đây mấy năm, nhóm bạn trẻ ở TP. Pleiku nhắn tin: “Chú rảnh không, đi về làng xa vui Trung thu cùng các cháu nhỏ”. Thế là tôi nhận lời ngay. Bởi mới về nghỉ hưu, thời gian cũng rảnh và làng xa đúng là xa thật: Làng Hà Đừng 1 và Hà Đừng 2 (xã Đăk Rong, huyện Kbang).

Chúng tôi đến làng khi đã chập choạng tối, bà con đi làm rẫy cũng lần lượt trở về. Các cán bộ thôn, từ bí thư chi bộ, bí thư Đoàn, phụ nữ, trưởng thôn, đặc biệt là các cháu nhỏ cũng đã có mặt chờ ở khu sân rộng của làng. Những ca khúc dành cho thiếu nhi và Trung thu vang lên từ chiếc loa khá lớn của nhóm bạn. Ánh đèn từ các bóng cao áp bừng lên, các cháu nhỏ được các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn ngồi thành từng hàng trật tự.

Các bạn trẻ chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm. Ảnh: Đ.M.P

Các bạn trẻ chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm. Ảnh: Đ.M.P

Khi trăng nhô lên cũng là lúc các em không còn nghiêm ngắn ngồi như lúc ban đầu. Những trò ảo thuật của các bạn trong nhóm thiện nguyện thu hút không chỉ các em mà còn cả người già, phụ nữ. Có lẽ với họ, điều đó rất lạ lẫm.

Chị Nguyễn Thị Thúy An, khi ấy là cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện bảo: “Từ lâu lắm rồi, trẻ em của làng mới có cuộc vui Trung thu như thế này”. Các sinh viên đến từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng lần đầu được giao lưu với các cháu và bà con người Bahnar, mọi chuyện với họ đều mới lạ. Không mất nhiều thời gian, “cuộc chơi” đã hòa vào nhau, ca hát, nhảy múa tưng bừng, không còn chút ngăn cách giữa chủ và khách.

Trong lúc chuyện trò với bà con trong làng, tình cờ tôi phát hiện khá nhiều câu nói tiếng Bahnar lẫn với tiếng phổ thông. Già làng Đinh Văn An, Trưởng thôn Đinh Văn Téo và một số bà con ngồi bên tôi. Những câu chuyện cũ-mới xen lẫn nhau, lúc tiếng Bahnar, khi tiếng phổ thông. Và tôi bất đắc dĩ làm người “thuyết minh” về Tết Trung thu cho bà con và trẻ em trong làng thêm tỏ tường. Ấy là một đêm Trung thu nhiều ý nghĩa, giúp các cháu nhỏ vùng đồng bào Bahnar Kbang hòa nhập, hiểu biết về văn hóa lễ hội ngoài văn hóa “của làng”.

Tôi nhớ, sách “Hội hè lễ Tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến Vua Đường Minh Hoàng rằng: Một đêm rằm tháng tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi. Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ “Cung Quảng Hàn”, những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng, áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này.

Còn sách “Bắc Kỳ tạp lục” của Henri Emmanuel Souvignet xuất bản năm 1903 viết ngắn gọn: “Ngày 15 tháng tám âm lịch, Tết Trung thu, trong ngày này mọi người làm và ăn những chiếc bánh có hình mặt trăng (bánh nguyệt hay bánh mặt trăng)”.

Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa, mang những ước vọng, mong muốn của những tầng lớp xã hội khác nhau, như đoán định mùa vụ năm tới, đoán định vận nước, vận vua, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm ước nguyện thành đạt, có vị trí trong xã hội, thưởng thức những sản vật ở độ ngon nhất trong năm (tổng kết một mùa vụ). Tết Trung thu cũng mang ý nghĩa sum họp, đoàn viên. Đối với trẻ nhỏ, Trung thu là lễ hội thực sự dành riêng cho mình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung thu cũng trùng với thời điểm đến trường của trẻ em. Vì thế, Trung thu còn mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng học hành thành tài của cha mẹ đối với trẻ nhỏ, thông qua các món đồ chơi hay vật dụng được sắm ra trong đêm rằm tháng tám. Và, Tết Trung thu ở làng Hà Đừng năm ấy khiến lòng tôi chẳng bao giờ quên.

Đang mùa Trung thu. Tôi lại nhận được nhiều lời mời của các nhóm thiện nguyện về dự Trung thu với các làng xa, với trẻ em và bà con Bahnar, Jrai... Tôi lại càng thêm nhớ Tết Trung thu ở làng Hà Đừng năm cũ. Làng Hà Đừng là ngôi làng vừa mới được nhập lại từ làng Đak Hro và Đak Trum, di dời từ nơi ở cũ ra định cư nơi mới, được huyện Kbang đầu tư hỗ trợ xây dựng khá khang trang, sạch đẹp, đường làng được bê tông hóa. Hai bên đường, bà con trồng các loại hoa đang mùa nở rộ.

Hai làng (Hà Đừng 1 và 2) có gần 200 hộ với hơn 1.000 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Trong kháng chiến, bà con Hà Đừng cũng chăm chỉ lao động sản xuất, ủng hộ cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng và căn cứ Kbang. Ngày nay, việc đầu tư, xây dựng cho làng là việc không thể không làm, đó là thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm