(GLO)- Sáng 10-10, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã long trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Trung tướng Tiêu Văn Mẫn. Trong niềm tự hào của bản thân, vị tướng năm nay đã 83 tuổi vẫn không quên những ngày chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh cùng đồng đội trên chiến trường Tây Nguyên.
Tây Nguyên những ngày rực lửa
Trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn kể: “Tôi sinh ngày 20-10-1935 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ba tôi mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi mấy anh em tôi. Để lo cho cuộc sống, tôi đi làm công cho người chú. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác đã thôi thúc tôi tham gia bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi. Tôi vào bộ đội rồi đi học và trải quan nhiều đơn vị khác nhau nhưng những kỷ niệm in dấu cuộc đời vẫn là ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24A”.
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Tiêu Văn Mẫn đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào. Trong đó, ông không thể nào quên được các trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên: “Khoảng tháng 10-1967, tiểu đoàn chúng tôi hành quân lên đỉnh núi Ngọc Bờ Biêng, đến nửa đường thì gặp gặp bọn Mỹ. Hai bên nổ súng đánh nhau quyết liệt. Phía trên đầu dốc, đồng chí Hành-Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Tường-Chính trị viên và đồng chí Thực-Tiểu đoàn phó chỉ huy bộ đội đánh địch. Tôi lúc này là Chính trị viên phó Tiểu đoàn được phân công chỉ huy đội hậu phẫu, vận tải và một số đồng chí vệ binh, liên lạc, thông tin ở phía sau đội hình tiểu đoàn. Khoảng hơn 12 giờ trưa, bọn Mỹ cho 1 đại đội đánh đội hình của tiểu đoàn do tôi chỉ huy. Trước tình hình bất lợi, tôi chỉ huy và trực tiếp đi đầu, động viên anh em quyết tâm chiến đấu, bảo vệ thương binh. Cả bộ phận phía sau chỉ có 15 tay súng, anh em chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt được hơn 20 tên Mỹ, thu 15 súng, riêng tôi bắn chết 3 tên Mỹ, buộc bọn Mỹ phải tháo chạy. Tong trận này, ta bảo vệ an toàn cho các đồng chí thương binh và đội phẫu”- Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nhớ lại.
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn thăm Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đến bây giờ, nhiều cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên vẫn còn nhớ trận đánh do đồng chí Tiêu Văn Mẫn chỉ huy diệt gọn Đại đội Lôi Hổ của ngụy và bắn rơi 1 máy bay trực thăng vào tháng 10-1968. Lôi Hổ là tên của lực lượng biệt kích đặc biệt tinh nhuệ thường nhảy dù nhằm trinh sát, tập kích các đơn vị chủ lực của ta. Hôm đó, đang chỉ huy đơn vị, đồng chí Tiêu Văn Mẫn nhận được tin có đại đội biệt kích Lôi Hổ đổ bộ xuống một quả đồi và đang đào công sự. Lệnh của Mặt trận giao cho Tiểu đoàn 6 tổ chức đánh tập kích, tiêu diệt đại đội này. Nhận lệnh, ông chỉ huy đơn vị chia làm 2 mũi nổ súng đánh bất ngờ làm cho địch lúng túng, vội vàng gọi điện xin máy bay trực thăng đến giải thoát. Biết máy bay địch đến ứng cứu, ông chỉ đạo đơn vị để cho chúng hạ cánh ở gần mặt đất thì mới nổ súng. Sau đó, đơn vị của ông đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trực thăng địch và tiếp tục chiến đấu với những tên ngoan cố chống cự. Trận đánh này nhiều người biết đến bởi cách chỉ huy sáng suốt và gan lì của ông, đó là không tổ chức sở chỉ huy ở phía sau mà cán bộ bám sát bộ đội để chỉ huy chiến đấu. Chính nhờ cách đánh gan dạ này, đơn vị của ông đã tiêu diệt hoàn toàn Đại đội Lôi Hổ khét tiếng của quân ngụy.
Nặng lòng với đất cũ, người xưa
Dù đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau như: Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24A, Mặt trận Tây Nguyên; Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị (nay là Chính ủy)-Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 3; Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về Chính trị-Bí thư Đảng ủy Quân khu 5 nhưng khi trở lại với chiến trường Tây Nguyên, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn vẫn một lòng đau đáu khi nhiều đồng chí, đồng đội của ông còn đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất này. Phát biểu khi đón dận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông rưng rưng: “Tôi có được vinh dự này là nhờ các anh hùng liệt sĩ, đồng đội, đồng chí và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã cưu mang, đùm bọc tôi suốt những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường này”.
Trở lại Quân đoàn 3, vị tướng năm nay đã 83 tuổi này vẫn dành thời gian ghé thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Đặc biệt, ông luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 phải giúp đỡ nhân dân các dân tộc Tây Nguyên vì nơi đó đã đùm bọc và che chở cho đơn vị lớn mạnh như ngày hôm nay.
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nói chuyện với chiến sĩ Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 3 khi biết được thành tích chiến đấu của Trung tướng Tiêu Văn Mẫn đã không giấu được sự xúc động, tự hào. Binh nhất Nguyễn Toàn (Đại đội Vệ binh, Tiểu đoàn 27, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3) chia sẻ: “Qua mỗi trang lịch sử Quân đoàn, chúng tôi rất tự hào về truyền thống của cha anh đi trước. Hôm nay, được nghe Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nói về những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng rất anh dũng trên chiến trường, chúng tôi càng hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Tôi cũng như các đồng đội sẽ cố gắng rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, vững tay súng bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Nguyên để xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước".
Còn Trung tướng Mai Hồng Bỉnh-nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) thì cho biết: "Tôi và Trung tướng Tiêu Văn Mẫn đều trưởng thành từ chiến trường Tây Nguyên. Nhân dân các dân tộc nơi đây luôn che chở, giúp đỡ chúng tôi trưởng thành. Vì vậy, suốt cuộc đời này, chúng tôi sẽ không quên được công ơn ấy. Mảnh đất này còn nhiều đồng đội chúng tôi nằm lại. Bởi vậy,dù ở xa nhưng lòng chúng tôi vẫn luôn hướng về Tây Nguyên".
Vĩnh Hoàng