Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Trung úy Huỳnh Tấn Nhựt: Học và làm theo Bác mỗi ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Đồng chí Huỳnh Tấn Nhựt là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy trong công tác và thường xuyên giúp đỡ đồng chí đồng đội, là một gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Đại đội Công binh”-Đại tá Đinh Văn Dũng-Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận xét.

“Làm gì cũng phải có quyết tâm”
 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

22 tuổi, chàng trai đất Quảng lên đường nhập ngũ chỉ với suy nghĩ làm yên lòng cha-vốn là một cựu binh. Nhưng sau 3 tháng huấn luyện tân binh và 6 tháng theo học Tiểu đội trưởng Công binh, Huỳnh Tấn Nhựt nhận ra rằng, mình muốn gắn bó lâu dài với nghiệp nhà binh. Trước khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nhựt viết đơn xin được phục vụ lâu dài trong quân ngũ với lời hứa cùng sự quyết tâm “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Và không lâu sau, chàng tân binh ngày nào đã chính thức trở thành quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Đại đội Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi) với hành trang mang theo là lời căn dặn của cha “làm gì con cũng phải có quyết tâm!”.

Trước diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên, Quân khu 5 quyết định thành lập các đội công tác tuyên truyền vận động quần chúng (gọi tắt là Đội Công tác 123), với tinh thần người lính cộng nhiệt huyết tuổi trẻ, Nhựt tiên phong đăng ký lên Gia Lai. Nhựt kể lại: “Những ngày đầu tiên về làng, mọi thứ đều lạ lẫm với anh em toàn đội mà lạ nhất chính là ngôn ngữ, vì không thể nói cho bà con hiểu và cũng không hiểu bà con nói gì. Mặc dù trước đó, anh em trong đội cũng đã tham gia khóa học cấp tốc về tiếng Jrai nhưng để có thể nói, nghe được một ngôn ngữ mới chỉ trong thời gian ngắn là điều không thể”. Nhận ra thiếu sót của bản thân, toàn đội công tác quyết định phải khắc phục ngay bằng cách tự học, học qua sách vở, học chính từ người dân địa phương… Nói như Huỳnh Tấn Nhựt, ngôn ngữ giống như tờ giấy thông hành vì chỉ khi nào hiểu bà con nói gì, mong muốn điều gì… thì người làm công tác tuyên truyền mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Nhựt và toàn đội công tác dần thích nghi với cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn qua công tác “4 cùng” để rồi thấy thương bà con dân làng nhiều hơn. Từ những buổi lên nương giúp bà con gặt lúa, nhổ mì, những buổi giao lưu văn nghệ và thông qua già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các tôn giáo… Nhựt và toàn đội không chỉ giúp người dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức phản động mà còn giúp đỡ bà con ở một số địa phương xóa bỏ tập quán lạc hậu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được ổn định, tình đoàn kết quân-dân ngày càng thêm khăng khít. Trung úy Huỳnh Tấn Nhựt chia sẻ, 10 năm gắn bó với buôn làng đã giúp cho anh có thêm nhiều bài học quý giá và thấy mình trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều. Và điều mà Nhựt cũng như toàn Đội Công tác 123 cảm thấy tự hào là đã làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Mỗi nhiệm vụ là một trận chiến

Năm 2013, sau khi các đội công tác 123 giải tán, Huỳnh Tấn Nhựt được phân công về công tác tại Đại đội Công binh, đúng với chuyên ngành đã được đào tạo. Nhựt xác định, đây là công việc đặc thù, luôn phải đối mặt với khó khăn và sự hiểm nguy vì hầu hết những con đường mà người lính công binh đi qua đều chưa gọi là đường, nơi ấy chưa có dân cư… Hơn thế, họ thường xuyên phải hành quân dã ngoại và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu ở những địa hình rừng núi xa xôi cách trở; nơi ăn, chốn ở tạm bợ trong những lán trại… công việc lại vô cùng nặng nề, đào hầm, phá đá, đến ô nhiễm không khí, sức ép, tiếng ồn…

Ấy là chưa kể công việc của người lính công binh luôn phải đảm bảo an toàn, chính xác, không cho phép xảy ra bất cứ sai sót nào vì chỉ cần “sai một ly”, có khi họ phải đánh đổi bằng mạng sống của nhiều người. Do vậy những người lính công binh như Nhựt luôn xác định “mỗi công trình là một trận chiến”. Có lẽ vậy mà mỗi người lính công binh ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng nghiệp vụ tốt, họ còn phải cần cù, sáng tạo, đoàn kết và không ngừng nghiên cứu, học hỏi để tìm ra cách làm hay nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. “Cũng chính vì yêu cầu khắt khe của công việc nên những người lính công binh luôn phải biết phê và tự phê, phải biết nhận trách nhiệm và không được chủ quan, bảo thủ”-Nhựt cho hay.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm