Chính trị

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn: Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 3-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Kbang và thị xã An Khê trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Tham gia các buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Kbang và thị xã An Khê.

Nhiều kiến nghị liên quan đến đất đai, hạ tầng giao thông

Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Kbang và thị xã An Khê đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Cử tri Trịnh Ngọc Phương (tổ 13, thị trấn Kbang) kiến nghị: “Nhiều năm nay, người dân thị trấn và xã Lơ Ku gặp khó khăn trong việc đi vào khu sản xuất cầu Khỉ (khoảng 100 ha), nhất là vào mùa mưa khi nước suối dâng cao. Không chỉ nông sản đến vụ thu hoạch phải bỏ hư hỏng vì nước lớn không vận chuyển về được mà trâu bò khi qua suối bị nước cuốn trôi, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư làm đập tràn qua suối để tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất cũng như đảm bảo an toàn khi đi qua con suối này”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Kbang. Ảnh: Quang Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Kbang. Ảnh: Quang Tấn

Còn cử tri Đỗ Thị Thơm (tổ 6, thị trấn Kbang) cho rằng: “Trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn thì việc bắt buộc mua bảo hiểm xe máy như hiện nay có còn phù hợp không khi nó không mang lại lợi ích cho người dân. Bên cạnh đó, hồ sơ thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rườm rà, thời gian kéo dài, phải đi lại nhiều lần và chất lượng phục vụ cũng rất thấp. Đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này nhằm tạo niềm tin cho người dân”.

Cùng với đó, cử tri Đỗ Thị Thơm cũng đề nghị huyện xem xét, kiểm tra lại chất lượng các tuyến đường liên thôn, liên xã được đầu tư trong thời gian qua. Bởi lẽ, nhiều tuyến đường được đầu tư chưa lâu đã hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn trong đi lại, khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra, cử tri huyện Kbang và thị xã An Khê cũng đề nghị các cấp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối các điểm du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của các địa phương. Đồng thời, đề nghị các cấp quan tâm điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng cho đội ngũ cán bộ cấp xã khi nghỉ hưu nhằm đảm bảo nhu cầu cuộc sống; có chế độ phù hợp đối với cán bộ thôn, làng và người cao tuổi...

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Tấn

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Tấn

Cử tri Trương Minh Trung (thôn An Xuân 2, xã Xuân An, thị xã An Khê) cho biết: “Tỉnh lộ 669 là tuyến giao thông huyết mạch từ thị xã An Khê đi huyện Kbang. Hàng ngày, lưu lượng người và phương tiện qua lại tuyến đường này rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh lộ 669 đã xuống cấp, đường rất hẹp gây khó khăn trong đi lại cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đề nghị đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm kiến nghị các cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này nhằm tạo thuận tiện cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Kbang và thị xã An Khê”.

Còn cử tri Nguyễn Thanh Bản (thôn An Xuân 1, xã Xuân An) kiến nghị: “Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Để quản lý, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử cũng như phát triển du lịch ở địa phương, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, các cấp cần quan tâm quy hoạch tổng thể khu di tích cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu di tích này”.

Cử tri Trương Minh Trung (thôn An Xuân 2, xã Xuân An, thị xã An Khê) nêu kiến nghị. Ảnh: Quang Tấn

Cử tri Trương Minh Trung (thôn An Xuân 2, xã Xuân An, thị xã An Khê) nêu kiến nghị. Ảnh: Quang Tấn

Trả lời thấu đáo ý kiến, kiến nghị của cử tri

Dưới sự điều hành của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cùng chính quyền huyện Kbang và thị xã An Khê đã trả lời thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.

Lý giải việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mất nhiều thời gian, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: Nguyên nhân chính là do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hiện thuộc quản lý của tỉnh, dẫn đến việc phối hợp, thực hiện thiếu hiệu quả, ách tắc nhiều công đoạn. Đề nghị các cấp xem xét giao về địa phương để thống nhất trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn, hạn chế bức xúc trong dân.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thị xã An Khê. Ảnh: Quang Tấn

Bà Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thị xã An Khê. Ảnh: Quang Tấn

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận: Việc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc tỉnh quản lý gây nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý cũng như hoạt động. Do đó, huyện cũng đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên giao văn phòng về cấp huyện để thống nhất trong quản lý, điều hành triển khai nhiệm vụ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Kbang ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng, chính quyền địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, huyện cũng ghi nhận đề xuất làm đập tràn qua suối ở khu sản xuất cầu Khỉ và các tuyến đường giao thông nội đồng khác để xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, ghi nhận phản ánh của cử tri về thực trạng thi công các tuyến đường giao thông nông thôn kém chất lượng.

Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Thời gian qua, huyện đặc biệt quan tâm đến chất lượng các công trình giao thông. Huyện cũng đã xử lý nhiều đơn vị thi công kém hiệu quả và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác này trong thời gian tới.

Còn Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình thì cho rằng: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định thì cần xác định ranh giới cụ thể, sao lục hồ sơ cũ, xác minh nguồn gốc, xác nhận ranh giới có thay đổi hay không… nên mất rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, thay mặt Sở Tài nguyên và Môi trường, ông cũng xin nhận khuyết điểm trước cử tri và sẽ chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kbang chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 10 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở huyện Kbang. Ảnh: Q.T

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 10 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở huyện Kbang. Ảnh: Q.T

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê.

Đối với đề nghị đầu tư tuyến tỉnh lộ 669, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Anh Thái cho hay: Hiện nay, mật độ dân số đông, phương tiện giao thông ngày càng nhiều nên tuyến đường trở nên quá tải. Trước thực trạng đó, năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường này. Hiện chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư và dự kiến cuối tháng 11 này sẽ triển khai thi công.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch ghi nhận toàn bộ ý kiến, kiến nghị rất trách nhiệm của cử tri các địa phương và giao các sở, ngành liên quan giải quyết. Đối với các kiến nghị của cử tri về đầu tư hạ tầng giao thông, du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện khả năng thu ngân sách của huyện Kbang chỉ mới đáp ứng hơn 12% chi tiêu hàng năm, còn lại tỉnh phải cấp bù. Tuy nhiên, trong phân bổ đầu tư công giai đoạn 2021-2026, huyện Kbang được phân bổ nguồn lực khá lớn với hơn 600 tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn tỉnh nhằm giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, hiện nay, trong các dự án trọng điểm về du lịch cũng như các dự án điểm từ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư cho huyện Kbang với nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trả lời ý kiến của cử tri. Ảnh: Quang Tấn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trả lời ý kiến của cử tri. Ảnh: Quang Tấn

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Tỉnh đã triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và đang đợi Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, UBND tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các bước nhiệm vụ tiếp theo. Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị cử tri và chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích quốc gia đặc biệt này.

Kết luận các buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của cử tri 2 địa phương. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Kbang và thị xã An Khê rất quan trọng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu và tham gia ý kiến vào các nội dung tại kỳ họp sắp tới, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, chính quyền huyện Kbang và thị xã An Khê quan tâm chỉ đạo giải quyết thấu đáo các vấn đề mà cử tri đề cập tại các buổi tiếp xúc.

Đối với ý kiến đề xuất sửa đổi một số tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Quan điểm của Đảng bộ tỉnh là xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thực chất, không chạy theo thành tích nên không nhất thiết phải bám theo từng tiêu chí mà đảm bảo nông thôn mới phải mang diện mạo mới, đời sống mới.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những ý kiến rất chính đáng của cử tri về đầu tư hạ tầng giao thông, du lịch. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì việc đầu tư cần theo thứ tự ưu tiên. Do đó, cử tri cần chia sẻ với những khó khăn của chính quyền địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết; đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Có thể bạn quan tâm