Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Trường học bên quốc lộ: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có nhiều trường học nằm sát các tuyến quốc lộ. Những tuyến đường này thường có mật độ xe đông, nhiều phương tiện lại phóng nhanh vượt ẩu nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh.

Nơm nớp nỗi lo tai nạn giao thông

Trường THCS Lý Thường Kiệt (số 1045 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) nằm sát quốc lộ 14. Bà Nguyễn Thị Thủy-Chủ tiệm tạp hóa gần trường-cho biết: Trước cổng trường là đường 1 chiều, có dải phân cách ở giữa nhưng không có lối qua đường dành cho người đi bộ. Nhiều phụ huynh ngại đi vòng nên dừng xe bên kia đường để con đi bộ leo qua dải phân cách giữa dòng xe cộ lao vun vút trên đường. Thậm chí, để đến trường một cách nhanh nhất, một số phụ huynh và cả học sinh cũng bất chấp nguy hiểm chạy xe ngược chiều trên đoạn quốc lộ dài đến gần 1 km.

Các em học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) leo qua dải phân cách để băng qua đường đến trường, tiểm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Ảnh: Minh Phương

Các em học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) leo qua dải phân cách để băng qua đường đến trường, tiểm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Ảnh: Minh Phương

Theo cô Trần Thị Hạnh-Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt: Toàn trường có hơn 750 học sinh ở phường Chi Lăng và xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Trong đó, nhiều học sinh ở xã Ia Kênh (cách trường hơn 7 km) thường xuyên đi học bằng xe đạp. Do khúc cua từ hướng đường Trường Chinh đến đường Võ Nguyên Giáp để rẽ vào trường dài gần 2 km nên để có thể đến trường và về nhà một cách nhanh nhất, nhiều em đạp xe ngược chiều trên tuyến quốc lộ 14. Nguy hiểm hơn là khu vực này không có biển báo hạn chế tốc độ hoặc lắp đặt gờ giảm tốc, xe ô tô thường chạy qua với vận tốc 70-80 km/giờ, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) rất cao.

Cô Trần Thị Hạnh nhấn mạnh: Mặc dù Ban Giám hiệu nhà trường đã cảnh báo về hành vi này nhưng nhiều em sợ muộn học nên vẫn thường xuyên đi ngược chiều. Một số phụ huynh ngại đi thêm một đoạn đường xa nên cũng chạy xe ngược chiều, gây tình trạng mất ATGT khu vực cổng trường. “Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm nay, nhà trường cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp, các ngành nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét lắp đặt các biển báo giao thông tại khu vực trường học để hành trình đến trường của các em luôn được an toàn”-cô Hạnh đề nghị.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Trước đây, khu vực trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Cô Mai Thị Sáu-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Trước đây, vào giờ tan tầm, khu vực cổng trường thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ do phụ huynh đến đón con đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường. Cùng với đó, trường nằm trên đường Lê Duẩn cũng là trục quốc lộ 19, nơi lưu lượng xe qua lại rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT. Nhiều phụ huynh băng qua dòng xe cộ đông đúc để đưa đón con em, trong khi không ít xe tải, xe khách liên tỉnh chạy ngang trường học.

Tuy nhiên, từ khi nhà trường tham gia mô hình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Ban ATGT tỉnh và Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp triển khai, vấn đề trật tự ATGT khu vực cổng trường từng bước được ổn định, giảm thiểu nguy cơ TNGT. Cụ thể, mô hình đã lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm), lắp đặt biển báo quy định tốc độ mới…

Nhiều học sinh bất chấp nguy hiểm chạy xe ngược chiều trên tuyến quốc lộ 14 để đến trường gần hơn. Ảnh: Minh Phương

Nhiều học sinh bất chấp nguy hiểm chạy xe ngược chiều trên tuyến quốc lộ 14 để đến trường gần hơn. Ảnh: Minh Phương

Tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang), Trường Mẫu giáo và Tiểu học Hà Ra số 1 cũng nằm sát quốc lộ 19. Thời điểm tan trường, hơn 1.000 học sinh ùa ra cộng với lượng xe ô tô qua lại khá lớn khiến khu vực này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Ông Phạm Thanh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Hà Ra-cho hay: Ngoài việc chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT, xã cũng triển khai xây dựng mô hình “Khu vực trường học an toàn”. Tổ tự quản về trật tự ATGT ở các thôn, làng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và người dân chấp hành các quy định về ATGT nên không còn xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cổng trường, đảm bảo an toàn cho các em học sinh, phụ huynh và người tham gia giao thông.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Để hạn chế TNGT liên quan đến học sinh trong khu vực trường học thì ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định về ATGT, Sở đã gửi “Sổ tay ATGT khu vực trường học” đến các địa phương làm tài liệu tham khảo khi triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến ATGT qua khu vực trường học. Riêng với trường hợp Trường THCS Lý Thường Kiệt, Sở sẽ phối hợp với Khu Quản lý đường bộ III (Bộ Giao thông-Vận tải) tiến hành khảo sát cụ thể để đưa ra phương án cắm biển giảm tốc độ, biển hạn chế áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm) hay xem xét mở lối đi bộ qua đường.

Có thể bạn quan tâm