Bạn đọc

Trường mới xây đã xuống cấp nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân làng Ia Ngăng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh còn chưa hết vui mừng vì ngôi trường mới xây khang trang to đẹp thì đã phải ngỡ ngàng vì nó xuống cấp quá nhanh chóng.

Điểm trường làng Ia Ngăng, Trường Tiểu học Kpă Klơng được xây dựng từ cuối năm 2011 với tổng số vốn 380 triệu đồng, bao gồm 2 phòng học và 1 phòng công vụ cho giáo viên. Đến tháng 4-2012, công trình được Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Chư Pưh bàn giao cho xã Chư Don để chuẩn bị cho năm học 2012-2013.

 

Chỉ nhẹ nhàng dùng tay cũng dễ dàng lật những mảnh gạch hoa ốp nền. Ảnh: V.N
Chỉ nhẹ nhàng dùng tay cũng dễ dàng lật những mảnh gạch hoa ốp nền. Ảnh: V.N

Nhưng ngay từ khi được đưa vào sử dụng tháng 8-2012, cả hai phòng học và phòng công vụ đều có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, nền phòng học có độ cong vênh lớn như lòng chảo, vùng nền ở giữa lún sụt thấp hơn rất nhiều so với các mép tường. Chúng tôi chỉ dùng bằng tay là có thể nhẹ nhàng lật từng mảnh gạch hoa ốp nền rời rạc để lộ những khoảng trống vì lún sụt sâu khoảng 10-20 cm. Đặc biệt, lớp nền lộ ra có rất ít xi măng mà chỉ có cát, sỏi và gạch đá vụn.
 

Ông Phùng Công Tuấn-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pưh cho biết: “Vốn đầu tư xây dựng mới các trường học, mua sắm bàn ghế và các trang-thiết bị cho năm học 2012-2013 là 2,2 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện vẫn còn 22 lớp mẫu giáo phải học nhờ địa điểm của các trung tâm học tập cộng đồng”.

Ở một góc phòng học còn nổi lên một ụ mối khá lớn giữa nền gạch hoa. Nhiều điểm đóng đinh của bảng học sinh và đường viền trần nhà đã bị bong ra. Căn phòng công vụ còn có những biểu hiện xuống cấp trầm trọng hơn và đành chịu cảnh bỏ hoang dù còn mới. Bức tường ngăn cách giữa căn phòng ngoài và phòng trong của phòng công vụ xuất hiện vết nứt lớn và nghiêng hẳn về một bên khiến bức tường có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Một giáo viên ở điểm trường làng Ia Ngăng cho biết: “Điểm trường này có ba giáo viên nhà đều ở rất xa, đường sá cách trở nên phải ở nhờ nhà của một bà lão trong làng. Lần này tưởng được ở trong nhà công vụ nhưng thấy vết nứt lớn quá nên không ai dám ở, chỉ đóng cửa suốt cả ngày”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hà-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Don nói: “Công trình này nhận được sự quan tâm rất lớn của dân làng cũng như chính quyền xã. Tuy nhiên, đơn vị thi công khá chậm chạp trong việc làm móng. Trong khoảng thời gian đó, xã cũng nhận được phản ánh của người dân là đơn vị thi công dùng vật liệu bằng cốt tre, ván gỗ… để làm nền. Xã cũng đã xuống kiểm tra, xác minh đúng sự thật và đã làm báo cáo để gửi lên huyện. Sau đó, đơn vị thi công đã khắc phục, khi nghiệm thu công trình không có biểu hiện hư hại như hiện nay”.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Xuân Hải-Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Chư Pưh cho biết: “Về công trình này, ngay từ khi mời thầu đã gặp rất nhiều khó khăn vì các đơn vị xây dựng đều tỏ ra ngán ngẩm với địa bàn không có điện và đường sá đi lại rất khó khăn. Khi thi công, đơn vị nhận thầu là DNTN Thành Thọ (huyện Chư Pưh) cũng đã gặp vô vàn khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như trong xây dựng vì không có điện, khiến các khoản phí tăng cao. Trong quá trình làm nền, vì thiếu nước nên nhà thầu đã đầm nền không kỹ, cùng với địa chất vốn không ổn định của khu vực đó dẫn đến hậu quả như hiện nay. Chúng tôi và nhà thầu cũng đã đi kiểm tra công trình trước ngày khai giảng để tìm cách khắc phục. Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ đốc thúc nhà thầu san đất, đầm lại nền làm từ đầu và sửa sang những vết nứt để tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên an tâm học tập và công tác”.

Trong lúc cả nước đang thực hiện các chính sách tiết kiệm thì công trình điểm trường Ia Ngăng lại cho thấy sự lãng phí khi bỏ ngỏ về chất lượng. Ngôi trường có thể được sửa chữa lại, nhưng chắc chắn, số tiền lãng phí thất thoát cũng không hề nhỏ.

Văn Ngọc-Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm