Xã hội

Trường nghề gặp khó trong tổ chức đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với đặc thù đào tạo là thực hành, các trường nghề trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp không ít khó khăn trong công tác dạy và học do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài.
Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Năm học 2021-2022, toàn trường có hơn 5.400 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng và sơ cấp nghề. Để đảm bảo chương trình, nhà trường áp dụng 2 hình thức đào tạo: trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, dẫn đến chậm thời gian tốt nghiệp. “Đối với các nghề như quản lý khách sạn và hướng dẫn du lịch, việc dạy trực tuyến không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nghề công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, may mặc... thì bắt buộc phải học thực hành trực tiếp”-ông Điều cho hay.
Để đáp ứng yêu cầu dạy trực tuyến, giảng viên phải thiết kế chương trình dạy lý thuyết phù hợp với chương trình đào tạo. Ông Huỳnh Ngọc Thuận-Trưởng khoa Điện-Điện tử-chia sẻ: “Trong mỗi tiết học trực tuyến, chúng tôi đều quay video cách tháo, lắp đặt thiết bị điện công nghiệp để học viên xem và ghi nhớ các bước cơ bản. Tuy nhiên, nếu việc học trực tuyến kéo dài thì các em không có điều kiện thực hành trên máy móc, thiết bị”.
Một tiết học nghề điện công nghiệp trực tuyến ở Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến
Còn theo Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, để chủ động phòng-chống dịch, nhà trường thực hiện dạy học lý thuyết bằng hình thức trực tuyến. Phần thực hành thì nhà trường đang tạm dừng để phòng-chống dịch Covid-19.
Để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có công văn hướng dẫn các trường nghề triển khai chương trình đào tạo trực tuyến. Vấn đề đặt ra là không phải trường nào cũng có điều kiện xây dựng phần mềm đào tạo trực tuyến để đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, không phải học sinh, sinh viên nào cũng có điều kiện học online, ý thức tự giác khi tham gia học cũng chưa cao. Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, mạng internet không ổn định, thiết bị học tập chưa được trang bị đầy đủ.
Để khắc phục những hạn chế trong việc đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, về phần lý thuyết, nhà trường buộc phải áp dụng hình thức học trực tuyến. Đối với phần dạy thực hành, nhà trường gửi học viên vào các doanh nghiệp để tiếp cận, học hỏi. Đồng thời, chia nhỏ từng nhóm, thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng-chống dịch và thực hành nghề”.
Cũng theo ông Điều, hiện tại, nghề may mặc, công nghệ, kỹ thuật, xây dựng đang thiếu nhân lực trầm trọng. Do vậy, việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp trong thực hành đào tạo nghề được nhà trường quan tâm.  
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Cao Bảo thì cho rằng: Học trực tuyến là giải pháp và cũng là hình thức phù hợp trong lúc này. Những sinh viên khó khăn về thiết bị học nghề đều được nhà trường hỗ trợ để đảm bảo việc học. Để không làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai cho sinh viên thực hành nghề nông-lâm-ngư nghiệp.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm