Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai: Chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắm bắt được tâm lý người lao động cũng như thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những năm gần đây, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai (thị xã Ayun Pa) đã chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề ngắn hạn (hệ sơ cấp). Với ưu điểm thời gian học tập ngắn, kỹ năng thực hành được chú trọng, loại hình đào tạo này đang thu hút đông đảo học viên tham gia.
Tranh thủ lợi thế, khắc phục khó khăn
Theo kế hoạch, năm 2020, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai tuyển sinh 110 học viên hệ trung cấp, 220 học viên hệ sơ cấp và 500 học viên học nghề nông thôn. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, nhà trường đã tập trung thực hiện công tác tuyển sinh. Giáo viên trực tiếp đến các huyện, xã liên hệ với lãnh đạo địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động trên địa bàn, từ đó tổ chức lớp học phù hợp độ tuổi và nhu cầu.
Thầy Trần Văn Đính-giáo viên Khoa Điện và Tin học-chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của nhà trường, giáo viên đã trực tiếp liên hệ với chính quyền xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện) để khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, phổ biến chính sách đãi ngộ khi học viên tham gia khóa học và các cơ hội nghề nghiệp sau này. Với sự phối hợp nhiệt tình của Hội Nông dân, toàn xã có 90 học viên đăng ký tham gia học lớp sơ cấp điện, trong đó có 1 lớp do thầy Đính phụ trách tại buôn Ơi Hly với 31 học viên, chủ yếu trong độ tuổi thanh niên. Lớp đã khai giảng được 5 tuần và đang bước vào giai đoạn thực hành. Học viên đi học tương đối chuyên cần, sôi nổi trong các học phần. Ai cũng mong nắm chắc được kiến thức để áp dụng vào cuộc sống.
Giáo viên Khoa Điện-Điện tử Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai hướng dẫn học viên thực hành. Ảnh: V.C
Giáo viên Khoa Điện-Điện tử Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai hướng dẫn học viên thực hành. Ảnh: V.C
Anh Nguyễn Quang Chí-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hiao-cho hay: “Xã có đặc thù phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm số lượng lớn. Khi Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai đề nghị liên kết mở lớp đào tạo nghề cho người lao động, bà con rất phấn khởi và đăng ký theo học. Hội Nông dân xã có nhiệm vụ phối kết hợp với nhà trường nhằm kiểm tra, giám sát học viên trong quá trình đào tạo, từ đó nâng cao tay nghề cho nguồn lao động của địa phương”.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Trọng Chỉnh-Phó Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất của công tác đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay là trình độ học viên còn thấp, không đồng đều. Thêm vào đó, công tác duy trì sĩ số cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy các lớp sơ cấp nghề được bố trí học vào buổi tối, địa điểm học ngay tại khu dân cư nhưng khi vào mùa, người lao động thường đi học không đầy đủ do đi làm rẫy ở xa, 2-3 ngày mới về. Trước tình hình đó, nhiều năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp học viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đào tạo nghề. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo công tác dạy và học thực chất, hiệu quả. Nhờ vậy, sĩ số học viên các lớp sơ cấp luôn duy trì ở mức cao, khoảng 95-98%.
Hiệu quả từ thực tiễn
Hiện nay, hệ sơ cấp của Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai đang đào tạo các ngành: điện, cơ điện nông thôn, bảo vệ thực vật, chăn nuôi-thú y, sửa chữa xe gắn máy, máy nông nghiệp. Trong số đó, ngành điện thu hút nhiều học viên hơn cả. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, nhà trường đã tổ chức được 7 lớp sơ cấp với 180 học viên (đạt 81,8% chỉ tiêu); trong đó có 4 lớp điện, tập trung tại 2 xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) và Ia Hiao (huyện Phú Thiện).
So với trước đây, số lượng người đăng ký học nghề, đặc biệt là nghề ngắn hạn tăng rõ rệt. Học viên cũng thay đổi nhận thức, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ... sang học để hiểu nghề, nắm vững kỹ thuật nhằm ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động. Anh Thái Hùng Khánh (buôn Phu Ma Nher 1, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Trước đây, mình có dự định phát triển kinh tế hộ gia đình. Do chưa nắm vững kỹ thuật nên năm 2018, mình quyết định đăng ký học lớp sơ cấp bảo vệ thực vật”. Sau khóa học, anh đã tự tin hiện thực hóa ý tưởng của mình. Hiện anh đang triển khai trồng gần 100 cây ăn quả các loại, nuôi 14 con heo rừng lai, dự định nuôi thêm gà và đào ao thả cá theo mô hình VAC. Riêng đàn heo rừng lai bước đầu đem lại nguồn thu hơn 50 triệu đồng/năm.
Học viên lớp Sơ cấp Điện tại buôn Ơi Hly được chia thành từng nhóm để thực hành đấu nối bảng điện. Ảnh: V.C
Học viên lớp Sơ cấp Điện tại buôn Ơi Hly được chia thành từng nhóm để thực hành đấu nối bảng điện. Ảnh: V.C
Với học viên ngành phi nông nghiệp, nhiều người sau khi tốt nghiệp đã xin vào làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, làm thuê tại các cửa hàng hoặc mở cửa hàng kinh doanh. Anh Rcom Man (buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao) chia sẻ: Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn rất phù hợp với người lao động như anh. Lớp học tổ chức vào buổi tối nên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của gia đình. Trong quá trình đào tạo, học viên được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên ai cũng phấn khởi, chuyên tâm học hành. Sau khóa học sơ cấp điện năm 2019, anh Man đã tự tin sửa chữa, lắp điện cho gia đình, bạn bè, người thân. Được các giáo viên giới thiệu, anh vào làm công nhân ở một công ty xây dựng trên địa bàn thị xã với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, anh đang theo học tiếp lớp trung cấp điện để nâng cao tay nghề.
Theo ThS. Phạm Văn Hoan-Hiệu trưởng nhà trường, giáo án các khóa đào tạo nghề ngắn hạn đều đúc kết từ thực tế, dạy chuyên sâu, thực hành nhiều. Nhờ vậy, tay nghề người lao động được nâng cao. Chính nhờ những ưu điểm này mà học nghề ngắn hạn đang là lựa chọn của nhiều học viên. “Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, nhà trường sẽ tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt, ngày hội hướng nghiệp giúp học viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”-ThS. Hoan chia sẻ thêm.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm