Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Truyền dạy cồng chiêng trong nhà trường: Thiết thực bảo tồn và phát huy di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vào mỗi buổi chiều, khuôn viên Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) lại rộn rã tiếng cồng chiêng. Đó là âm thanh vang lên từ lớp truyền dạy cồng chiêng do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai tổ chức. Tiếng chiêng tuy chưa thuần thục nhưng các em học sinh đã thể hiện được niềm đam mê, lòng tự hào trước giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.
Lớp học do nghệ nhân Nay Phai truyền dạy từ ngày 21-5 đến 5-6, thu hút 32 học sinh tham gia, được “biên chế” thành 1 đội cồng chiêng và 1 đội múa xoang. Theo nghệ nhân Nay Phai, mặc dù từ nhỏ các em đã quen với tiếng cồng chiêng nhưng việc truyền dạy vẫn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Bởi lẽ, đánh cồng chiêng thì dễ nhưng dạy các em cảm thụ được âm thanh cồng chiêng, truyền cho các em lòng đam mê để biểu diễn thuần thục, có hồn thì khó vô cùng, đòi hỏi sự cố gắng, tập trung cao độ của cả thầy và trò. “Tham gia dạy cồng chiêng cho học sinh từ năm 2009 đến nay, mỗi lần lên lớp gặp các cháu học sinh, mình thấy rất vui. Vui vì con cháu mình còn đam mê âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc và có cơ hội tiếp xúc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tiếc rằng thời gian học ngắn nên nghệ nhân chỉ có thể hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhất để học sinh có thể cảm nhận được cái hay của tiếng chiêng, tiếng trống, biết thực hành để rồi say mê, giữ gìn nó”-nghệ nhân Nay Phai trải lòng.
Đây là lần đầu tiên học sinh Trường THCS Lê Lợi được trực tiếp tham gia lớp học diễn tấu cồng chiêng nên em nào cũng rất thích thú. Các em đăng ký khá đông nhưng vì số lượng giới hạn nên nhiều em chưa có cơ hội tham gia khóa học này. Mỗi chiều, những em được chọn đều có mặt tại nhà đa năng của trường từ rất sớm để được trò chuyện cùng thầy, nêu thắc mắc về những điều mình chưa rõ. Sau 2 buổi học lý thuyết cơ bản, các em được nghệ nhân Nay Phai dạy tiết tấu cồng chiêng theo 3 bài chiêng cổ: Theo gương cha ông, Ngôi nhà thói quen và Đam mê dệt vải. Mỗi bài chiêng có tiết tấu, nhịp điệu khác nhau, có bài chậm rãi, có bài sôi động nên đòi hỏi các em phải tập trung học hỏi để có thể biểu diễn thành thục.
Nghệ nhân Nay Phai và các em học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: V.C
Nghệ nhân Nay Phai và các em học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: V.C
Em Nay Mỹ Hà-học sinh lớp 9-chia sẻ: “Tuy thường được xem biểu diễn cồng chiêng nhưng đây là lần đầu tiên em được học diễn tấu. Nhờ thầy chỉ bảo tận tình, sau một thời gian, em và các bạn đã biết cách gõ nhịp, hiểu được ý nghĩa các bài chiêng và biểu diễn những bài cơ bản nhất. Em thấy rất tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em hy vọng những lớp học cồng chiêng như thế này sẽ được mở nhiều hơn nữa để văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát triển”.
Trường THCS Lê Lợi có 199 học sinh, hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ được Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã tặng một bộ chiêng từ năm 2019 nên khóa học cồng chiêng tại trường có nhiều thuận lợi. Thầy Phan Đình Trọng Hiếu-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Sau khóa học này, nhà trường sẽ lên kế hoạch đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ, tổ chức nhiều buổi ngoại khóa biểu diễn, giao lưu cồng chiêng, múa xoang để học sinh có dịp thể hiện năng khiếu, khơi dậy trong các em niềm tự hào, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Thầy Nay Phai hướng dẫn học sinh đánh chiêng theo nhịp. Ảnh: V.C
Thầy Nay Phai hướng dẫn học sinh đánh chiêng theo nhịp. Ảnh: V.C
Trao đổi với P.V, ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa-cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, những năm gần đây, Trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mở 3 lớp dạy cồng chiêng cho học sinh các trường: Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô), THCS Phạm Hồng Thái (xã Chư Băh), THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol) và hiện đang mở lớp thứ 4 tại Trường THCS Lê Lợi. Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng các lớp học này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Nhiều trường đã thành lập được đội cồng chiêng và múa xoang tham gia biểu diễn tại các hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục mở lớp học tương tự tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (phường Cheo Reo) và Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm