Văn hóa

Cổ học tinh hoa

“Truyền lửa” đam mê nghệ thuật cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 tháng qua, cứ khoảng 18 giờ 15 phút hàng ngày, người dân xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) lại được nghe thấy tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang hòa theo làn gió. Đó là tiếng cồng, tiếng chiêng của các học viên đang theo học lớp truyền dạy cồng chiêng.

Đây là lớp truyền dạy cồng chiêng do Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức trên cơ sở nguồn kinh phí thuộc Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Phú Thiện. Lớp học diễn ra từ ngày 15-9 đến 30-10 với sự tham gia của 30 học viên là người Jrai. Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Văn Sông cho biết: “Ngay sau khi có kế hoạch mở lớp học, UBND xã đã chỉ đạo các làng lựa chọn, đăng ký học viên có nhu cầu tham gia. Chỉ sau 1 tuần vận động, lớp học đã tập hợp đủ số lượng học viên. Chúng tôi quan tâm tạo điều kiện về địa điểm, sân bãi và các thiết bị cần thiết để lớp học diễn ra thuận lợi”.

Các học viên trình diễn cồng chiêng sau khi hoàn thành khóa học. Ảnh: K.H

Các học viên trình diễn cồng chiêng sau khi hoàn thành khóa học. Ảnh: K.H

Ông Sông cũng cho hay: Hiện nay, tất cả 3 làng đồng bào Jrai của xã đều có bộ cồng chiêng riêng để phục vụ các lễ hội, sinh hoạt truyền thống cũng như tham gia liên hoan, hội thi do các cấp tổ chức. Lâu nay, việc dạy cách đánh cồng chiêng, tập luyện các bài nhạc chiêng cho đồng bào Jrai chủ yếu diễn ra vào thời điểm tỉnh, huyện tổ chức các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn. Do vậy, việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng với hình thức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn lần này là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa nghệ thuật cồng chiêng, từ đó tích cực, chủ động tập luyện, tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Là người trực tiếp dẫn dắt lớp học, nghệ nhân Ksor Thu (buôn Sô Ma Lơng A) cảm thấy vui mừng bởi sự tiến bộ hàng ngày của mỗi học viên. Nghệ nhân Ksor Thu chia sẻ: “100% học viên đều là người Jrai. Do vậy, không có học viên nào cảm thấy bỡ ngỡ hay xa lạ với cái cồng, cái chiêng. Tuy nhiên, các học viên chủ yếu làm nông, ban ngày chăm lo việc ruộng rẫy, tối muộn mới thu xếp xong việc gia đình để tham gia lớp học. Ban đầu, tôi cũng khá lo ngại, sợ không đủ học viên để lên lớp, bởi vì chỉ cần 1 đến 2 người vắng là cả đội tập sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, tất cả học viên đều tích cực và tham gia đầy đủ”.

Được đánh giá là một trong những học viên năng nổ, nhiệt tình và tiếp thu nhanh các bài nhạc cồng chiêng, chị Ksor HBan (buôn Sô Ma Lơng A) tâm sự: “Ngay sau khi xã thông báo có lớp truyền dạy cồng chiêng, mình đã đăng ký tham gia. Đây là cơ hội để bản thân mình trau dồi kiến thức, kỹ năng đánh cồng chiêng một cách bài bản. Mình rất thích các bài chiêng cổ, từng nhịp chiêng chậm rãi, nghe nhẹ nhàng, da diết”.

Còn anh Siu Chiên (buôn Chrôh Pơnan) thì bày tỏ: “Tôi đã cố gắng thu xếp việc ruộng rẫy để tham gia đầy đủ các buổi học. Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí để mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào Jrai. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở, động viên anh em trong làng phải tích cực học tập. Đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người đối với sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cồng chiêng truyền thống dân tộc”.

Nhận xét về lớp truyền dạy cồng chiêng, ông Nguyễn Ngọc Ánh-Trưởng khoa Văn hóa-Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết: “Lớp học diễn ra trong 45 ngày. Qua nghe phần trình diễn cồng chiêng của các học viên, tôi cảm nhận được sự nghiêm túc, hiệu quả trong việc dạy và học của nghệ nhân và các học viên. Mong rằng các học viên sau khi nhận giấy chứng nhận hoàn thành lớp học cồng chiêng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “truyền lửa” đam mê nghệ thuật cồng chiêng cho cộng đồng Jrai ở các buôn làng”.

Có thể bạn quan tâm