Kinh tế

Từ 2011-2015, VN cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch ADB H. Kuroda khẳng định, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung và dài hạn 

Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 6,78%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 157 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2000. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến năm 2010 đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 12.463 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn đăng ký 194,6 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 80 tỷ USD.

300 tỷ USD đầu tư cho giai đoạn 2011-2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam diễn ra sáng 3/5 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Riêng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường (chứng khoán, hàng hóa dịch vụ, thị trường lao động, khoa học, công nghệ...) theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư; giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.


Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cộng đồng quốc tế tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn khi dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA kỷ lục gần 8 tỷ USD trong năm 2010. Đây thực sự là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục phát triển”.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam là một trong những thành viên tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) và cũng là nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường”.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Những bất cập của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó là thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực; là sự bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng: « Việc hội nhập kinh tế thế giới mở ra cơ hội mới về nguồn vốn và công nghệ cho Việt Nam và các đối tác. Quá trình này còn mang lại nhiều thách thức ở nhiều cấp độ khác nhau, từ chính sách vĩ mô, quản lý doanh nghiệp... Dù vậy, tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong trung và dài hạn”.

Nên có những ưu tiên cụ thể

Với số dân 88 triệu người, Việt Nam được sở hữu một nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, theo ông H. Kuroda, Việt Nam cần nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu lao động kỹ năng, cải thiện hạ tầng (như điện, giao thông...). Bên cạnh đó, ông Kuroda cũng khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, đóng góp tới  47% GDP của Việt Nam và giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động. “Để khai thác tối đa tiềm năng khu vực tư nhân, Việt Nam cần cải cách hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, tín dụng... Chúng tôi đánh giá cao việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30” – ông Kuroda nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Cùng quan điểm này, giáo sư Kenichi Ohno (Diễn đàn phát triển Việt Nam) cho rằng, trong tương lai Việt Nam phải sử dụng các chính sách để thúc đẩy tích lũy kỹ năng, tri thức, tạo sự tăng trưởng bền vững. Bởi tăng trưởng trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào việc mở cửa và dòng ngoại tệ chứ không phải vì năng suất. Việt Nam đang đầu tư nhiều để đạt 1% tăng trưởng, thế nhưng năng suất lao động gần như dậm chân tại chỗ”.


Các chuyên gia kinh tế cũng đặc biệt lưu ý Việt Nam cần tránh “bẫy thu nhập trung bình”. “Để đạt thu nhập cao hơn cần có chính sách năng động hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân” – GS K. Ohno khẳng định.

GS Ohno cũng đưa ra những bài học của các nước trong khu vực và thế giới mà Việt Nam có thể học tập. Ông cũng đưa ra 3 vấn đề đối với Việt Nam, đó là: cấu trúc chính sách thiếu nhất quán; sự phối hợp giữa các bộ ngành còn kém; sự phối hợp giữa các bên tham gia chưa hiệu quả.

“Việt Nam có quá nhiều ưu tiên được đặt ra. Điều đó có nghĩa là không có ưu tiên nào. Chính vì vậy, Việt Nam cần xác định, qui hoạch rõ ràng để có ngân sách thực hiện ưu tiên đó” – GS Ohno nói.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, điểm nghẽn của Việt Nam chính là thiếu lao động có kỹ năng, năng suất, hiệu quả và thiếu lực lượng quản lý có trình độ cao. “Việc đầu tư vào đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nghề là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Việt Nam” – ông Hoàng Trung Hải nói.

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng của Việt Nam đều bị quá tải. Ví dụ như tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra, trong khi đầu tư vào điện lên tới trên 10% tổng đầu tư toàn xã hội. Bến cảng, sân bay, giao thông đô thị cũng đòi hỏi đầu tư lớn. Hạ tầng giáo dục, y tế cũng phải tập trung khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là cải thiện đời sống nhân dân. “Nguồn vốn đầu tư cho những hạng mục này rất lớn. Vì thế, Việt Nam mở ra nhiều hình thức đầu tư mới như BOT, PPP” – Phó Thủ tướng nói.

Đại biểu dự Hội nghị
Đại biểu dự Hội nghị
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tập trung ưu tiên đầu tư vào những gì mình có ưu thế, đó là năng lực cạnh tranh động (ví dụ như nguồn nhân lực). Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, những năng lực cạnh tranh tĩnh Việt Nam đang có thì tiếp tục phát huy tối đa. Nông nghiệp là một ví dụ. Việt Nam hiện đang có tới 50% sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thô. Người nông dân vẫn chưa làm giàu được dù năng suất lao động đã được nâng cao... “Chúng tôi phải tiếp tục đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo người nông dân phải giàu được bằng việc tăng giá trị tuyệt đối của nông nghiệp”.


Về những ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn thu hút FDI ở những lĩnh vực sử dụng quá nhiều lao động nhiều mà không gia tăng hàm lượng chất xám. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việt Nam vẫn phải thực hiện các dự án này trước mắt cần tập trung giải quyết việc làm, đồng thời chuyển dịch sang những ngành có giá trị cao hơn. “Các nhà đầu tư bỏ vào hàng tỷ USD thì phải thấy được giá trị, hiệu quả. Nếu chúng ta không chứng minh được sự gia tăng, đáp ứng yêu cầu thì nhà đầu tư sẽ không đưa công nghệ cao vào. Quá trình chuyển dịch từ những lĩnh vực công nghệ thấp sang công nghệ cao phải đi nhanh nhưng không thể sốt ruột được” – ông Hoàng Trung Hải nói.
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm