TN - Đất & Người

Từ bỏ công việc mơ ước, cô giáo ở Đắk Lắk thành danh nhờ "giải phẫu" trái bơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là người con của "Thủ phủ bơ" Đắk Lắk, không muốn trái bơ trong tương lai lâm vào cảnh giải cứu như những loại nông sản khác, sau thất bại với thực phẩm từ trái bơ, cô giáo trẻ quyết tâm thử sức ở lĩnh vực mới: Sản xuất mỹ phẩm từ trái bơ.
Người con đầu tiên của Đắk Lắk sản xuất mỹ phẩm từ trái bơ
Nhờ có khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng màu mỡ, vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đã tạo điều kiện cho cây bơ phát triển mạnh mẽ. Để rồi khi nhắc tới trái bơ, người ta nhớ ngay thương hiệu bơ tươi Đắk Lắk.
Chị Phạm Thị Thu Hằng (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) quyết tâm khởi nghiệp với trái bơ.
Chị Phạm Thị Thu Hằng (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) quyết tâm khởi nghiệp với trái bơ.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 9000 ha bơ các loại. Trong đó diện tích thu hoạch khoảng 5400 ha với tổng sản lượng khoảng 82 ngàn tấn nhưng đầu ra không ổn định, chưa hình thành chuỗi giá trị nên việc mua bán phụ thuộc vào thương lái khiến giá bơ bấp bênh, người nông dân luôn chịu phần thiệt thòi.
Lớn lên trong gia đình thuần nông, Phạm Thị Thu Hằng (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thấu hiểu từng nỗi vất vả, tâm huyết của bà con trong quá trình trồng trọt. Hằng ấp ủ ước mơ có thể góp phần nhỏ công sức, giúp bà con ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản quê hương.
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Sinh học, Hằng không theo nghề sư phạm luôn mà đi làm với vị trí nhân viên kinh doanh nên đam mê kinh doanh ngấm vào máu, luôn xác định mình nhất định phải làm kinh tế. Sau 1 năm, Hằng nghỉ việc, về với chuyên môn, trở thành giáo viên Sinh học tại trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).
 
Phạm Thị Thu Hằng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi về chế biến, sản xuất các sản phẩm từ trái bơ vào năm 2016.
Phạm Thị Thu Hằng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi về chế biến, sản xuất các sản phẩm từ trái bơ vào năm 2016.
Với tình yêu đặc biệt với trái bơ, từ năm 2016, Hằng bắt đầu nghiên cứu tài liệu, tìm tòi học hỏi về chế biến, sản xuất bên cạnh công việc dạy học. Tuy trái bơ có tiềm năng phát triển tốt, số lượng nông sản lớn do người dân trồng nhiều từ chuyên canh tới xen canh. Nhưng ngược lại, sản phẩm từ bơ còn nghèo nàn, Hằng thử nghiệm làm thực phẩm được chế biến từ trái bơ.
Sau khi mua một vài máy móc đơn giản từ nguồn vốn là số tiền tiết kiệm ít ỏi trong nhiều năm đi dạy, Hằng chủ yếu tập trung vào nghiên cứu sản phẩm, gửi đi các nhà máy, viện nghiên cứu, cơ sở chế biến tại miền Bắc.
Ấp ủ ước mơ chế biến thực phẩm như: Bơ sấy dẻo, kem bơ, bơ sấy giòn.. nhưng kết quả nghiên cứu Hằng nhận được chỉ có bột bơ và dầu bơ ở mức tạm ổn. Bột bơ còn  đắng do gặp nhiệt, dầu bơ ăn chưa ngon, giá thành quá cao nếu sử dụng làm thực phẩm nên ý tưởng làm thực phẩm thất bại, Hằng buộc phải tìm hướng đi mới
Tìm hiểu thị trường, Hằng nhận thấy nhiều chị em lâu nay luôn thích những sản phẩm làm đẹp, gắn nhãn mác của nước ngoài nhưng không mấy ai quan tâm tới nguồn gốc, thành phần của từng sản phẩm. Trong "cái khó ló cái khôn", Hằng tìm hiểu cách làm mỹ phẩm thiên nhiên, lên ý tưởng dùng bột bơ, dầu bơ để làm đẹp.
Đem bột bơ và dầu bơ vào làm đẹp, Hằng mong muốn thay đổi phần nào suy nghĩ của phụ nữ Việt nói chung trong cách sử dụng mỹ phẩm, ưu tiên những sản phẩm an toàn từ thiên nhiên.
 
Phạm Thị Thu Hằng tham gia nhiều cuộc thi về khởi nghiệp và đã có được những thành công nhất định
Phạm Thị Thu Hằng tham gia nhiều cuộc thi về khởi nghiệp và đã có được những thành công nhất định.
Thoát khỏi vùng an toàn, chinh phục ước mơ
"Là một người đơn giản, tôi hiếm khi sử dụng mỹ phẩm. Chưa bao giờ, tôi nghĩ rằng mình sẽ sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm từ thiên nhiên. Vậy nên, mọi thứ đến với tôi rất bất ngờ, như một cơ duyên " – Hằng chia sẻ.
Mặt nạ từ bột bơ, dầu bơ sử dụng trên da mặt đem lại hiệu quả rõ rệt qua quá trình sử dụng: Giúp da mềm mịn, giảm bong tróc, chống lão hóa... Hằng bắt đầu thuê thiết kế bao bì, logo, đóng gói, gõ cửa đại lí, chào bán những sản phẩm đầu tiên.
 
Hằng tích cực học thêm các lớp kinh doanh, truyền thông sản phẩm, cách thức sản xuất để phục vụ công việc.
Hằng tích cực học thêm các lớp kinh doanh, truyền thông sản phẩm, cách thức sản xuất để phục vụ công việc.
Năm 2018, thu không đủ bù chi do không có kinh nghiệm kinh doanh, sản phẩm không đa dạng, chưa phù hợp nên không có khách hàng trở lại mua hàng. Hằng không bỏ cuộc mà quyết định ngưng sản xuất, bỏ sản phẩm cũ, thanh lí máy móc. Cuối mỗi tuần, Hằng đều đặn xuống Sài Gòn học thêm các lớp kinh doanh, truyền thông sản phẩm, cách thức sản xuất..
"Thời điểm đó, tôi nghĩ nếu tiếp tục duy trì công việc dạy học, tôi không thể tập trung cho việc sản xuất. Gác lại sự can ngăn từ gia đình, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ, từ bỏ công việc ổn định nhiều người ao ước, toàn tâm nghiên cứu và phát những sản phẩm có nguồn gốc từ trái bơ" – Hằng chia sẻ.
Năm 2019, mặt nạ ngủ, son bơ, sữa rửa mặt bơ, muối tắm bơ.. ra đời từ nguyên liệu chính là dầu bơ. Hằng may mắn được tham gia nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp, được địa phương hỗ trợ đi nhiều nơi quảng bá sản phẩm. Được nhận thêm góp ý từ doanh nhân đi trước, Hằng dần cải thiện chiến lược kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm của mình.
Ngày 16/10/2020, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang ra đời. Qua Pơ Lang, Hằng muốn lan tỏa thông điệp "Đẹp thuần khiết", rằng mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam không thua kém bất kì sản phẩm nổi tiếng trên thị trường. Hơn hết, Pơ Lang chuyên các sản phẩm được sản xuất từ tài nguyên bản địa.
Để có nguồn nông sản phục vụ sản xuất cả năm, Pơ Lang dùng phương pháp cấp đông bơ tươi. Trái bơ khi ăn tươi sẽ ngon và tốt hơn trái bơ được cấp đông. Tuy nhiên trong chế biến, việc rút dầu từ trái bơ cấp đông không ảnh hưởng đến chất lượng dầu. Vậy nên ngay cả trong mùa bơ, Pơ Lang cũng trữ đông để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất.
 
Pơ Lang muốn định vị thương hiệu với Bơ tươi Đắk Lắk, xuất khẩu các sản phẩm từ trái bơ ra thị trường thế giới.
Pơ Lang muốn định vị thương hiệu với Bơ tươi Đắk Lắk, xuất khẩu các sản phẩm từ trái bơ ra thị trường thế giới.
Mới chập chững những bước đi đầu tiên nhưng hiện nay, Pơ Lang đã có nhà xưởng sản xuất rộng rãi, ký hợp đồng cam kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho các hộ dân, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương trung bình từ  6 – 8 triệu đồng/1 tháng.
Từ tháng 1/2022, Pơ Lang đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, Pơ Lang vẫn còn nhiều khó khăn trong công cuộc nhận diện thương hiệu, nâng cao quy trình chế biến, tăng nguồn vốn để mở rộng sản xuất, phát triển thêm sản phẩm mới: Muối tắm, xà phòng tắm..
" Là người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm từ trái bơ, tôi biết mình đã chọn con đường đầy rẫy khó khăn, thử thách mà ít người dám chọn. Dù Pơ Lang đã có một số thành công nhỏ ban đầu nhưng với tôi, hành trình phía trước còn rất dài..." – Hằng tâm sự.
Trong tương lai, Pơ Lang muốn định vị thương hiệu với Bơ tươi Đắk Lắk, xuất khẩu dầu quả bơ cho nhiều nước không trồng bơ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để phát triển sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên có nguồn gốc từ Việt Nam, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho bà con quê hương.
Là người con của "Thủ phủ bơ" Đắk Lắk, không muốn trái bơ trong tương lai lâm vào cảnh giải cứu như những loại nông sản khác, sau thất bại với thực phẩm từ trái bơ, cô giáo trẻ quyết tâm thử sức ở lĩnh vực mới: Sản xuất mỹ phẩm từ trái bơ.
Theo Linh Anh (Dân Việt)
https://danviet.vn/tu-bo-cong-viec-mo-uoc-co-giao-o-dak-lak-thanh-danh-nho-giai-phau-trai-bo-20221216124452339.htm

Có thể bạn quan tâm