Thành quả này, theo Bộ trưởng Abdullah bin Touq Al Marri, là do chủ trương hướng đến việc tạo dễ dàng về thủ tục đầu tư, nhất là những lĩnh vực tạo thế mạnh cho phát triển. Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng từng kể câu chuyện dự án nhà máy Tesla hàng tỉ USD đầu tư tại Trung Quốc chỉ mất chưa tới một năm từ lúc khởi công đến khi đi vào hoạt động. Hay khu đô thị ở UAE có tổng đầu tư 20 tỉ USD với quy mô 600 ha, 500 tòa nhà làm trong vòng 5 năm.
Còn tại VN, thủ tục khiến dự án mất từ vài năm tới chục năm mới "ra lò". Tại cuộc thảo luận tổ về tình hình KT-XH sáng 26.10, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận "mỗi thủ tục mà làm mấy năm trời thì mất hết cơ hội".
Nhưng không chỉ mất cơ hội, thủ tục cũng khiến hàng trăm, hàng ngàn dự án bị đình đốn, không thể về đích, khiến một nguồn lực khổng lồ của đất nước bị đóng băng, không tạo ra tăng trưởng, không giải quyết công ăn việc làm cho xã hội mà còn làm suy giảm niềm tin vào môi trường đầu tư. Đáng nói, có những chuyện hết sức vô lý nhưng vẫn tồn tại như việc nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam từ năm 2021 đã gửi đơn lên chính quyền đề nghị gia hạn thêm 5 năm, nhưng suốt 4 năm không thể giải quyết. Hay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng chỉ còn cách vạch đích vài phần trăm nữa nhưng án binh bất động nhiều năm nay chưa biết tiến thoái thế nào. Tương tự là hàng trăm dự án tắc tiền sử dụng đất, chủ đầu tư mong được hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng không thể...
Thế nên việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án với mục đích rà soát các dự án ách tắc, "đắp chiếu" 5 - 10 năm, với sự tham gia của cơ quan công an, thanh tra, kiểm sát..., nhằm phân loại rõ nguyên nhân, từ đó có hướng xử lý hiệu quả, nhận được sự chờ đợi và kỳ vọng rất lớn của người dân, doanh nghiệp (DN). Bởi đằng sau các dự án ách tắc đó là những quy hoạch treo, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân; là gánh nặng tài chính oằn vai DN phải vay vốn đầu tư nhưng tài sản đắp chiếu năm này qua năm khác... khiến họ suy kiệt. Nếu được cởi trói, phát huy, tăng tốc... nguồn lực khổng lồ đó có thể tạo ra hiệu quả, kết quả gấp nhiều lần, đóng góp cho tăng trưởng đất nước. Quan trọng hơn, rà soát đẩy nhanh dự án cũ nhưng cũng phải cải cách triệt để thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho người dân, DN có động lực khởi nghiệp, mở rộng quy mô; để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài; để giải ngân đầu tư công chạy băng băng đưa cầu, đường, trường, trạm vào phục vụ quốc kế dân sinh.
Tính từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nền kinh tế đã trải qua liên tiếp 4 năm khó khăn. Chúng ta cũng vừa hứng chịu cơn bão số 3 (Yagi) với thiệt hại nặng nề về cả người và của. DN vẫn đang rất khó. Vì thế, giải phóng nguồn lực bị chôn vào các dự án đình trệ, đẩy nhanh thủ tục các dự án mới chính là những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất để DN phục hồi, tăng tốc, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước.
Theo Nguyên Khanh (TNO)