Xã hội

Từ đầu năm đến nay, Gia Lai xảy ra 20 vụ đuối nước, 28 trẻ tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ đuối nước, làm 28 trẻ bị tử vong.

Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tai nạn đuối nước là do nhận thức gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước cho trẻ...

Trẻ chơi đùa ở các ao, hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện
Trẻ chơi đùa ở các ao, hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng-chống đuối nước cho trẻ, ngành chức năng tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp triển thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng- chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em.

Đặc biệt, cần tăng cường hơn công tác truyền thông về nội dung này trong các trường học mầm non, tiểu học và trung học. Tuyên truyền, vận động các gia đình, bố, mẹ, ông, bà, người thân không được chủ quan, lơ là, thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở chỉ đạo thôn, làng, tổ dân phố phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng-chống đuối nước cho người dân và trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống loa phát thanh của địa phương.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê số lượng ao, hồ, đập, các công trình thủy lợi, thủy điện, các hố đào tự tạo để tưới cà phê, tiêu, ... và yêu cầu các chủ hồ đập, hộ gia đình làm bản cam kết thực hiện việc rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm nguy cơ gây đuối nước và chịu trách nhiệm khi trẻ em bị đuối nước do ao, hồ, hố, đập... do mình quản lý. Địa phương quan tâm bố trí nguồn kinh phí đồng thời huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng các bể bơi, lắp đặt bể bơi thông minh tổ chức dạy bơi cho trẻ em nhằm tăng số trẻ em biết bơi. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng-chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em.

Ngoài các giải pháp của các cơ quan chức năng thì cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những nơi nguy hiểm để phòng tránh.

Có thể bạn quan tâm