Du lịch

Tư duy lại về du lịch: Cần linh hoạt hơn và tạo ra sự công bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều quốc gia và người dân, tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thế giới đã nhận ra rằng không thể trở lại cách làm cũ.
 
Du khách bay đôi cùng phi công để trải nghiệm ngắm cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát
Du khách bay đôi cùng phi công để trải nghiệm ngắm cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát
Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay được tổ chức tại Bali, Indonesia, với chủ đề “Tư duy lại về du lịch," tập trung vào việc định hình lại sự tăng trưởng của lĩnh vực này về quy mô và mức độ phù hợp.
Phát biểu nhân sự kiện, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili khẳng định tiềm năng của du lịch là rất lớn, bởi vậy, UNWTO kêu gọi tất cả mọi người, từ nhân viên du lịch đến khách du lịch, cũng như doanh nghiệp nhỏ, tập đoàn lớn và các chính phủ "suy nghĩ lại những gì chúng ta đang làm và cách thức thực hiện” để tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng mà du lịch mang lại.
Theo ông Pololikashvili, năm 2022, thế giới một lần nữa nhận thấy những cơ hội mà du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cho người dân toàn cầu.
Tuy nhiên, ông khẳng định cũng trong năm nay, thế giới đã nhận ra rằng không thể trở lại cách làm cũ. Thế giới cần phải tư duy lại về du lịch sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh thế giới đang mở cửa trở lại, những bài học về đại dịch cần phải được rút ra.
Với những điểm yếu và bất bình đẳng đã được bộc lộ, cuộc khủng hoảng trong 2 năm vừa qua cho thấy thế giới cần phải xây dựng du lịch quốc tế linh hoạt hơn và tạo ra sự công bằng hơn.
Thực tế, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của “bức tranh” kinh tế toàn thế giới. Cứ 10 người lao động trên thế giới, có 1 người làm việc trong ngành du lịch, theo đó ngành "công nghiệp không khói" cung cấp sinh kế cho hàng trăm triệu người.
Sau đại dịch, ngành du lịch quốc tế đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới.
Theo thống kê của UNWTO, trong 5 tháng đầu năm nay, có gần 250 triệu lượt khách đi du lịch, giúp ngành du lịch phục hồi được gần 46% so với năm 2019 - thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Cụ thể, châu Âu đón lượng du khách tăng hơn 4 lần, với số lượng du khách quốc tế tăng 350%. Riêng tháng Tư, thời điểm diễn ra kỳ nghỉ lễ Phục sinh, số lượng du khách đến khu vực này tăng tới 458%.
Tại châu Mỹ, số du khách cũng tăng hơn 2 lần (112%). Tuy nhiên, so với thời kỳ trước khi bùng phát đại dịch năm 2019, con số này vẫn thấp hơn lần lượt 36% và 40%.
Dù dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch chậm hơn, song ngành du lịch các nước khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương cũng có động lực tăng trưởng với số lượng du khách tăng lần lượt là 157%, 156%, 54% và 50%.
Tổng hợp số lượng du khách đến khu vực này vẫn thấp hơn 90% so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19 lây lan bởi nhiều nước vẫn chưa hoàn toàn dỡ bỏ quy định phong tỏa biên giới.
Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3, doanh nghiệp lữ hành đã quay trở lại thị trường và bắt đầu phục hội hoạt động kinh doanh.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm. Tuy nhiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch còn hạn chế, với chỉ khoảng 733.400 lượt trong 7 tháng đầu năm, tương đương chỉ 15% mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Mặc dù vậy, đây có thể xem là kết quả khả quan của ngành du lịch sau khi chịu tổn thất nặng nề trong hơn 2 năm đại dịch hoành hành, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ngành du lịch như xung đột tại Ukraine, các biện pháp phòng dịch vẫn được thực hiện tại nhiều nước, tình hình lạm phát, chi phí giá cả tăng cao…
Trong bối cảnh ngành du lịch đang tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, với mục tiêu hướng đến chuyển đổi ngành du lịch, giới chức UNWTO đã đưa ra một lộ trình chuyển đổi, trong đó có 5 ưu tiên cần giải quyết.
Thứ nhất là xử lý khủng khoảng và giảm thiểu những tác động kinh tế-xã hội đối với sinh kế, đặc biệt là việc làm của phụ nữ và an ninh kinh tế.
Theo đó, cần phải thực hiện từng bước các giải pháp ứng phó đồng bộ để bảo vệ sinh kế, việc làm, thu nhập của người lao động và sự sống còn của các doanh nghiệp, xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp an ninh, an toàn trong tất cả khâu vận hành của ngành du lịch, tăng cường quan hệ đối tác và đoàn kết trong phục hồi kinh tế xã hội bằng cách đặt ưu tiên giảm bất bình đẳng.
Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh và độ bền vững để hỗ trợ sự phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại địa phương, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đồng thời quảng bá du lịch trong nước và khu vực nếu có thể.
Thứ ba là thúc đẩy đổi mới và số hóa hệ thống kinh tế du lịch. Các gói ngân sách phục hồi và phát triển du lịch tương lai có thể tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trong hệ sinh thái du lịch, thúc đẩy số hóa để tạo ra các giải pháp sáng tạo và đầu tư vào các kỹ năng kỹ thuật số, đặc biệt đối với người lao động tạm thời không có nghề nghiệp và người đang tìm việc làm.
Thứ tư là thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là ưu tiên quan trọng để ngành du lịch chuyển đổi theo hướng linh hoạt, cạnh tranh, tận dụng hiệu quả tài nguyên và trung hòa khí thải carbon, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Cuối cùng là chú trọng điều phối và hợp tác để chuyển đổi du lịch và đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Trong lộ trình điều phối hiệu quả các kế hoạch, chính sách mở cửa trở lại và hồi phục cần cân nhắc ưu tiên con người, với sự tham gia của chính phủ, các đối tác phát triển và các thể chế tài chính quốc tế.
Phục hồi ngành du lịch cũng chính là phục hồi kinh tế toàn cầu. Nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho biết ngành du lịch và lữ hành có thể đóng góp 8.600 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, thấp hơn chỉ 6,4% so với trước đại dịch.
Do đó, tư duy lại du lịch để tạo ra sự chuyển mình của ngành này hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch không những nhanh chóng phục hồi, mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, vững bền trong tương lai, đảm bảo các mục tiêu mà UNWTO đề ra, đóng góp cho tăng trưởng chung của kinh tế thế giới.
Theo Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm