Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tự hào khi được đặt chân đến mảnh đất Điện Biên anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc tự hào khi nhớ về lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất Điện Biên anh hùng. 

Đó là một ngày đầu tháng 5-2017, khi tôi cùng đồng nghiệp cơ quan Báo Gia Lai có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm làm báo tại các tỉnh phía Tây Bắc.

Trên hành trình đến với các tỉnh Tây Bắc hùng vĩ, chúng tôi được đặt chân đến nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt là các di tích lịch sử gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, bản thân tôi rất xúc động và tự hào khi được tham quan Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ-di tích Quốc gia đặc biệt.

Không những say đắm trong không gian ngập tràn sắc trắng của hoa ban, chúng tôi còn được ghé thăm, sống lại những mốc lịch sự hào hùng tại các điểm di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Quần thể di tích rộng lớn với 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ.

Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Tấn

Điểm đến đầu tiên mà đoàn chúng tôi ghé thăm là đồi A1-cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Để bảo vệ cứ điểm quan trọng này, thực dân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt, kéo dài nhất và gây tổn thất, hy sinh lớn nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến rạng sáng ngày 7-5-1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp để giành thắng lợi hoàn toàn.

Giờ đây, trên ngọn đồi này vẫn còn đó những chứng tích lịch sử được bảo tồn, lưu giữ nguyên vẹn như: Hầm chỉ huy cứ điểm A1 của Pháp, chiếc xe tăng mà quân Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích và cái hố to hình phễu-là dấu tích trận nổ khối bộc phá nặng 960 kg của quân ta vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, làm cho quân Pháp choáng váng.

Sau khi tham quan hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, chúng tôi tiếp tục đến điểm tham quan tiếp theo là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong không gian rộng hơn 7.000 m2, được trưng bày hơn 1.000 hiện vật chiến tranh. Đó là những vỏ đạn, xe đạp thồ, súng của quân đội Việt Nam và Pháp.

Được khánh thành từ năm 2014, Bảo tàng trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, điểm tham quan văn hóa-du lịch nổi tiếng của xứ sở hoa ban. Tại đây, các mốc lịch sử về Chiến thắng Điện Biên Phủ được nữ thuyết minh viên điểm tên với chất giọng hào hùng, dấy lên niềm tự hào nhưng đôi lúc cũng lắng đọng nội tâm khi nhắc đến những hy sinh, mất mát vô cùng lớn của quân và dân ta.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên. Ảnh nguồn dienbientv.vn

Từng biết đến những dấu mốc quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ lịch sử nhưng chúng tôi, nhất là những người lần đầu được đặt chân đến mảnh đất lịch sử Điện Biên đều không giấu được niềm xúc động, tự hào. Đồng nghiệp tôi, nhà báo Nguyễn Ngọc Tú xúc động nói: “Những cột mốc lịch sử, các di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên năm xưa thì tôi đã được biết và thuộc nằm lòng qua sách sử. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi may mắn được đến với mảnh đất một thời khói lửa, được nghe lại tường tận qua lời kể hào hùng nhưng cũng đầy xúc động của nữ thuyết minh viên. Tôi và các thành viên trong đoàn như được trở về với quá khứ gian khổ với biết bao hy sinh, mất mát nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Thế hệ trẻ như chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh và nguyện tiếp bước để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”.

Còn nhà báo Lê Văn Nam cũng rất xúc động và tự hào khi lần đầu được tận mắt thấy những hiện vật lịch sử, tận tai nghe những câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt được kể lại bằng sử, bằng thơ.

“Rất xúc động khi được đặt chân lên mảnh đất ghi dấu nhiều chiến công lẫy lừng của cha ông trong 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau khi tham quan các di tích lịch sử như đồi A1, hầm Đờ Cát, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... tôi càng thêm cảm phục, tự hào và biết ơn sự hy sinh anh dũng của cha ông. Chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để có được độc lập, tự do cho dân tộc”-anh Nam chia sẻ.

Chia tay khi khắp đất trời Điện Biên rợp bóng cờ, hoa, trong mỗi chúng tôi đều dấy lên niềm tự hào, hãnh diện của những người con Tây Nguyên về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ-biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dù 70 năm đã trôi qua nhưng thế hệ trẻ chúng tôi mãi khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng trọn đời cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha anh để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

Có thể bạn quan tâm