Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tự hào ký ức báo chí trong đêm kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trải qua hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, báo chí cách mạng đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần tạo nên chiến thắng vang dội của đất nước, thống nhất hai miền.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc giải phóng đất nước. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc giải phóng đất nước. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tối 24/3 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với tên gọi “Ngày vui thống nhất.”

Sự kiện được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trải qua những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, báo chí đã trở thành lực lượng tuyên truyền, cổ động, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược.

Tại đêm giao lưu nghệ thuật các nhân chứng lịch đã cùng nhớ về những ngày tháng hào hùng trên chiến trường. Mỗi ký ức như những thước phim quay chậm.

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại sự kiện. Từ trái sang: Đại tá Hán Văn Quảng, Đại tá-nhà báo Anh Ngọc và Đại tá-nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại sự kiện. Từ trái sang: Đại tá Hán Văn Quảng, Đại tá-nhà báo Anh Ngọc và Đại tá-nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đại tá-nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những nhà báo có mặt tại Sài Gòn đúng ngày 30/4. Ông theo đoàn xe từ Huế tiến về Sài Gòn, trên đường gia nhập cùng xe của nhóm nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. Đến Dinh độc lập, ông leo lên cây để lắp ăng-ten 15W của Thông tấn xã Việt Nam để phát sóng, truyền tin về Hà Nội.

“Khi ấy chúng tôi bắt được ăng-ten nhưng cả nội đô Sài Gòn sóng nhiễu kinh khủng nên chưa thành công. Rất may có những người đồng đội khác của chúng tôi lắp đặt được và phát thành công tin miền Nam giải phóng, còn tin tôi phải gửi báo qua máy bay để đưa ra Hà Nội,” ông kể trong giọng điệu tự hào.

Đại tá-nhà báo Anh Ngọc của tờ Quân đội Nhân dân vẫn nhớ như in giây phút đặt chân vào miền Nam. Khi ấy, ông và đồng đội đến Sài Gòn đêm ngày 3/5 rồi tá túc ở Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Dẫu cơ sở vật chất tiện nghi đầy đủ, ông cùng những người bạn mình vẫn mắc võng như còn trên chiến trường. Đặt chân trên mảnh đất vừa được nối liền một dải, ông nhớ rõ cảm giác ấy “thật khó tả, vừa lạ, vừa quen mà hạnh phúc như trong mơ vậy.”

Đêm nhạc với những giai điệu tự hào. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đêm nhạc với những giai điệu tự hào. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Chia sẻ tại sự kiện kỷ niệm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí đã có sự đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là giai đoạn huy hoàng với nhiều nỗ lực vượt bậc, nhiều chiến công rực rỡ, nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh của những người làm báo trên cả nước.

Ông cũng nhắn nhủ đội ngũ làm báo cả nước hiện nay cần ra sức học tập đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa.

Được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, “Ngày vui thống nhất” gồm 3 phần: Phần 1 - “Vì miền Nam ruột thịt,” phần 2 - “Bài ca chiến thắng” và phần 3 – “Việt Nam ngày mới.”

Bên cạnh những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, chương trình còn biểu diễn hàng loạt các ca khúc quen thuộc như “Cô gái mở đường,” “Đường chúng ta đi,” “Tự hào hai tiếng Việt Nam,” “Tổ Quốc ta cờ bay”…

Có thể bạn quan tâm