Phóng sự - Ký sự

Từ hộ nghèo thành triệu phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Về Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nông dân hiếm người nói chuyện quá khứ nghèo khó mà ai cũng bàn chuyện làm giàu. Những hộ nghèo tưởng như không thể thoát nghèo thì nay lại sở hữu gia sản tiền tỷ, đi ô tô, nhà cửa phải có điều hòa để chống chọi với cái nóng mùa hạ hơn 41°C…
 
Anh Trần Văn Tuấn, một nông dân làm giàu thành công ở bản Chuôn, bên vườn cây của gia đình
Anh Trần Văn Tuấn, một nông dân làm giàu thành công ở bản Chuôn, bên vườn cây của gia đình
“Tái sinh” từ 30 triệu đồng
Vừa bước chân xuống từ chiếc ô tô gần tỷ bạc, anh Trần Văn Tuấn (51 tuổi, bản Chuôn, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) đon đả chào khách, rồi kể về hành trình thoát nghèo, làm giàu của mình giữa vùng đồi núi bản Chuôn. Trước năm 1995, gia đình anh Tuấn định cư tại thôn Tuy Lộc (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), là một điển hình đi báo cáo hội nghị nông dân 32 tỉnh phía Bắc vì đã mạnh dạn đầu tư mua sắm 8 máy cày cỡ đại về làm dịch vụ ở vựa lúa cò bay thẳng cánh. Gia đình anh hồi đó được đánh giá nông dân giàu có tiếng của vùng. Nhưng đùng một cái, canh tác lúa thay đổi, máy cày nhỏ được người dân nhập về nhiều, món nợ của nhà anh ngày mỗi tăng lãi, người dân không thuê máy khiến nguồn thu sụt giảm. Từ chỗ thóc lúa đầy nhà, phải đi gửi kho của xã, bỗng chốc anh phá sản, trở thành hộ nghèo tận đáy.
Bán hết mọi thứ để trả nợ, anh Tuấn đưa gia đình ly hương lên bản Chuôn sống với đồng bào Vân Kiều. Một hộ gia đình người Kinh lên đây làm ăn, nhưng lại rơi vào danh sách hộ nghèo. Anh Tuấn kể: “Vợ và 3 đứa con theo tôi lên rừng núi, 4 người ở trong căn lều nhỏ. Buổi đầu, vay 30 triệu đồng tiền hộ nghèo ở ngân hàng chính sách, sau đó được hỗ trợ vay 100 triệu đồng tiền sản xuất kinh doanh. Từ làm trang trại gà đến trồng chuối, khai hoang đất rừng, dần dà tôi tạo được hơn 28ha rừng, nhờ thế nuôi được 3 đứa con học đến đại học. Đến nay, 2 đứa làm lâm nghiệp tại Nhật Bản. Đứa gái lớn lấy chồng, làm công ty nước ngoài. Sổ hộ nghèo đã trả cho nhà nước, tôi tạo việc làm cho người dân trong vùng, với chừng 15 người làm thời vụ. Dân Vân Kiều bản Chuôn vì thế cũng học cách làm ăn của gia đình tôi mà mở mang kinh nghiệm nhiều lắm”.
Anh nông dân với dòng tiền trăm tỷ
Khác với anh Tuấn, Hoàng Thái Thủ (36 tuổi, thôn Sen Đông, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy), là một nông dân xứ cát lớn lên trong nghèo khó. Bạn cùng lứa học xong cấp 3 ai cũng bàn thi đại học, riêng Thủ xuống Đồng Hới làm mướn. Năm 2005, Thủ đi chiếc xe máy cà tàng về ngân hàng chính sách mang cuốn sổ hộ nghèo được xã chứng nhận để vay tiền. Thủ nghĩ, chị dâu nuôi hơn 20 con lợn, chỉ cần xin cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng có thu nhập ổn hơn làm thuê.
Từ người bán lại thức ăn chăn nuôi cho chị dâu với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, Thủ đã bán thêm cho hàng xóm, gầy dựng được chuồng trại hơn 3ha nuôi gà chất lượng cao, heo sạch, cá trắm. Kinh doanh phát đạt lắm, công việc đang tốt, bỗng dưng trận lũ lịch sử năm 2010 dập về làm trang trại tan hoang. Thủ nói: “Lúc đó như tái nghèo, bao nhiêu tiền bạc vay mượn đổ vào đó, em như chết đứng. Đêm nằm cứ nghĩ đến chiếc dây thòng lọng treo gác nhà. May thay lãnh đạo huyện động viên, tạo điều kiện hết sức, em gầy dựng lại dần dà. Cho đến nay, dù vẫn vay mượn nhưng ổn hơn lúc lũ dập mất sạch mấy chục ngàn con gà, cả ngàn con heo”.
Bây giờ, Thủ có mối quan hệ với hơn 200 hộ chăn nuôi trong toàn huyện Lệ Thủy, cung cấp thức ăn chăn nuôi một cách bài bản cho chừng đó gia đình bằng 3 ô tô tải. Thủ bao tiêu thức ăn chăn nuôi từ Quảng Bình vào đến Đà Nẵng. Với mảng trang trại, mỗi năm Thủ doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Còn dòng tiền vận hành trong vòng tròn hơn 200 hộ trang trại, phải lên đến 100 tỷ đồng.
Thủ kể: “Lúc khởi nghiệp với chiếc xe máy cà tàng, em không nghĩ có ngày quản lý dòng tiền khép kín lên đến cả trăm tỷ ở vùng Sen Thủy này. Bạn hàng của em hơn 200 hộ chăn nuôi cá thể đều đã thoát nghèo, không ít hộ mua ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có tiền tỷ gửi ngân hàng lấy lãi. Bây giờ cuộc sống đã sang trang, nếu cứ than nghèo kể khổ hoài là không được”.
Kế sách bền vững
Cả anh Tuấn và anh Thủ đang bước vào cuộc sống nhộn nhịp của thế kỷ XXI, thời đại công nghệ phát triển. Cả hai cùng chí hướng tìm kế sách phát triển bền vững hơn. Anh Tuấn kể: “Bây giờ có ô tô con, ở phòng lạnh, nhưng nông dân không thể thấy đó là thỏa mãn. Rừng của tôi phải tái cấu trúc”. Cách mà anh Tuấn nói là biến 28ha rừng trồng keo thành rừng cây bản địa trồng lim, lát, táu, sưa; bên dưới trồng ba kích, sâm… Hai con trai của anh Tuấn học Đại học Nông Lâm Huế và chọn cách đi xuất khẩu lao động làm lâm nghiệp bên Nhật với mức lương 30 triệu đồng mỗi tháng không phải vì mưu sinh. Anh Tuấn giải thích, chúng muốn có kiến thức làm lâm nghiệp của người Nhật để sau này về Việt Nam áp dụng. “Chúng nó sẽ là nông dân khác cha mẹ chúng. Chúng tôi thuộc thế hệ nông dân đi lên từ hộ nghèo. Còn chúng là thế hệ nông dân trí thức, sẽ giàu có hơn”, giọng anh Tuấn chắc nịch.
Còn anh Thủ thì rất lo hệ sinh thái mình gầy dựng sẽ bị các công ty khổng lồ thâu tóm, nuốt mất thị phần nếu không thay đổi. “Em phải thay đổi để bảo vệ hơn 200 hộ chăn nuôi từ nghèo khó vươn lên giàu có cùng em. Cần đầu tư một dây chuyền giết mổ khép kín, tự động, đủ chuẩn và hiện đại, nhằm đưa sản phẩm ra thị trường và vào các siêu thị, lúc đó mới bền vững được. Hộ chăn nuôi cũng cần thay đổi bằng cách đầu tư hiện đại mới trụ nổi trước sức mạnh của những công ty làm trang trại lớn hơn”.
Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy Lê Vĩnh Thế đánh giá, nông dân như anh Tuấn và anh Thủ là mẫu hình đi lên từ hộ nghèo, phát triển vượt qua bao khó khăn. Từ họ lan tỏa tinh thần làm giàu ở các thôn quê. Nay không ít nông dân tự tin làm nhà lầu, có phòng máy lạnh, đi ô tô. Họ là cú hích lớn cho phát triển xã hội, tạo cơ hội cho con cái có nền tảng cao hơn để xây dựng, phát triển quê hương”.
Khi nói về tầng lớp nông dân thoát cảnh “con trâu đi trước…”, ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Lệ Thủy, tâm sự: “Khách hàng của chúng tôi trên toàn huyện rất lớn. Nông dân vay vốn ở đây từ sổ hộ nghèo rồi dần dà vươn thành giàu có rất là nhiều. Nếu anh Tuấn mất 21 năm để giàu có thì thế hệ của anh Thủ mất 16 năm đi từ một chiếc xe máy cà tàng thành một cơ ngơi với dòng tiền sản xuất cả trăm tỷ đồng. Ngày nay, nông dân ở bất cứ ngôi làng nào có cơ hội vay mượn, họ đều thực hiện. Bởi bây giờ khác trước, thị trường mở, các ngành nghề phát triển nên người dân tự tin làm giàu”.
Chia tay anh Tuấn, vợ anh báo vừa nhận được lãi tiền gửi từ khoản gửi tiết kiệm 2,6 tỷ đồng. Hoàng hôn mùa hạ vẫn rất nắng, hai vợ chồng anh Tuấn vào nhà bật điều hòa; chồng tập máy chạy bộ, vợ tập máy xe đạp, cái ghế massage thì dành cho o già vừa từ quê lên chơi ngồi cho đỡ đau lưng. Cảnh này giờ không chỉ nhà anh Tuấn, mà theo ông Ngôn, rất nhiều nông dân đã làm được. Trước đây, lúc nghèo, họ chưa từng ước mơ. Việc làm giàu, thoát nghèo của nông dân gợi lại câu chuyện khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê và mong muốn làm sao để dân giàu, nước mạnh. Bây giờ, điều đó đang đi đúng đường ray.
MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm