Xã hội

Từ hôm nay (8-7): Tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kể từ ngày hôm nay (8-7-2020), các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử sẽ bắt đầu thực hiện tạm khóa hàng loạt tài khoản ví điện tử vì không hoàn tất việc xác thực tài khoản đúng hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 23/2019. Người dùng chỉ có thể sử dụng ví điện tử trở lại sau khi thực hiện xác thực theo yêu cầu.

 

Yêu cầu xác thực danh tính tài khoản cũng là cơ hội để “dọn dẹp” bớt các tài khoản ảo, không dùng đến. Ảnh: Moca
Yêu cầu xác thực danh tính tài khoản cũng là cơ hội để “dọn dẹp” bớt các tài khoản ảo, không dùng đến. Ảnh: Moca




Tài khoản bị khóa vẫn có thể rút tiền

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 23/2019 về xác thực tài khoản ví điện tử, người dùng phải hoàn tất việc xác thực danh tính trước ngày 7-7-2020. Sau thời điểm này, người dùng ví điện tử chưa thực hiện xác thực danh tính sẽ bị tạm khóa dịch vụ và chỉ có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn tất các yêu cầu xác thực.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cho hay, triển khai quy định của NHNN, tính đến nay hàng chục triệu người dùng ví điện tử hoàn tất việc xác thực đầy đủ thông tin tài khoản. Điều này cho thấy, người dùng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài khoản của chính mình, nhất là các tài khoản liên quan giao dịch tài chính.

Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, tính đến ngày 7-7 vẫn còn một số nhỏ tài khoản chưa hoàn tất việc xác thực danh tính theo yêu cầu và theo quy định, những tài khoản chưa xác thực sau ngày 7-7-2020 sẽ bị hạn chế dịch vụ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng để hoàn tất việc xác thực, thực tế việc xác thực hiện nay được thực hiện rất nhanh chóng, mất không quá 30 giây và chúng tôi đang nỗ lực cải tiến công nghệ để việc xác thực này tiện lợi nhất cho khách hàng” - ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.

Cũng theo đại diện MoMo, dù bị hạn chế dịch vụ, các khách hàng của Ví MoMo chưa hoàn tất xác thực sẽ vẫn có thể

log-in (đăng nhập) ứng dụng để kiểm tra các hóa đơn, kiểm tra các giao dịch, nuôi Heo đất. Vấn đề được nhiều người dùng quan tâm là tiền trong Ví điện tử của khách hàng khi bị tạm khóa dịch vụ sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối và nếu khách hàng muốn rút tiền vẫn có thể dễ dàng rút về tài khoản ngân hàng đã liên kết.

Trong khi đó đại diện Ví điện tử Moca cũng cho hay, trước ngày 7-7, người dùng vẫn có thể sử dụng ví điện tử bình thường dù chưa hoàn tất xác thực tài khoản tuy nhiên sau ngày này, người dùng sẽ không thể sử dụng ví điện tử cho đến khi hoàn tất các bước xác thực tài khoản bởi đây là yêu cầu bắt buộc của NHNN áp dụng với tất cả các ví điện tử. Để tiến hành xác thực ví Moca, người dùng chỉ mất tối đa 3 phút cho toàn bộ quá trình xác thực, thậm chí nhanh hơn nếu người dùng đã kích hoạt và sử dụng ví trước đó.

Cơ hội để “thanh lọc” tài khoản ảo

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, việc các tổ chức cung ứng dịch vụ đồng loạt yêu cầu người dùng xác thực danh tính tài khoản ví điện tử bằng cách cung cấp các ảnh chụp giấy tờ cá nhân gây lo ngại về việc các tổ chức này sẽ làm gì để bảo đảm thông tin cá nhân của người dùng không bị lộ lọt và không bị sử dụng sai mục đích.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cũng cho hay, thực tế rào cản lớn nhất trong xác thực thông tin chính là việc một số khách hàng còn quan ngại việc gửi thông tin cá nhân cụ thể là gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.

“Tuy nhiên là một công ty công nghệ, chúng tôi quy chuẩn và tự động hóa việc lưu trữ thông tin, hạn chế tối đa cá nhân tiếp xúc trực tiếp thông tin khách hàng. Chúng tôi chỉ sử dụng được để xác minh tính chính danh của tài khoản; hỗ trợ khi người dùng yêu cầu và các mục đích liên quan đến pháp lý và không cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho bất kỳ bên thứ 3 nào” - ông Diệp đưa ý kiến.

Trước các thông tin lo ngại của người dân, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, xác thực danh tính là yêu cầu bắt buộc nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho người sử dụng ví điện tử. NHNN theo đó yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (tổ chức cung ứng) phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật được quy định tại Nghị định số 101 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Luật An toàn thông tin mạng.

“Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin thanh toán cho khách hàng” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu xác thực danh tính tài khoản bằng cách cung cấp các giấy tờ cá nhân là không cần thiết trong khi ví điện tử muốn sử dụng được đã phải thực hiện kết nối với một tài khoản ngân hàng vốn có đầy đủ thông tin cá nhân. Việc này theo đó có thể kéo đến hệ quả là khiến người dùng xa lánh dịch vụ ví điện tử do quá phiền nhiễu.

Trước ý kiến này, một số chuyên gia công nghệ tài chính cho rằng, việc áp dụng KYC (xác minh danh tính thành viên) chặt chẽ hơn là cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa ví điện tử và thẻ ngân hàng, tránh tình trạng cùng là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như nhau, có hạn mức thanh toán giá trị nhỏ và trung gần như nhau mà quy định bảo mật lại lỏng - chặt khác nhau. Hơn nữa, khi người người dùng có được sự tiện lợi mà ví điện tử mang lại, việc áp dụng thêm một bước KYC cũng không chắc sẽ là yếu tố làm giảm động lực sử dụng ví điện tử của người dùng.

Thực tế khi sử dụng ví điện tử, người dùng sẽ không còn nhu cầu “ẩn danh” như khi dùng tiền mặt do toàn bộ thông tin người dùng, thông tin giao dịch, thói quen, hành vi đều đã được các ví điện tử thu thập hết. Đáng chú ý, theo các dữ liệu gần đây nhất được NHNN công bố, có thời điểm trong hơn 9 triệu ví điện tử được đăng ký trên cả nước, mới có 4,24 triệu ví được xác thực và có sự liên kết với tài khoản ngân hàng.

Việc tạm khóa các ví điện tử không thực hiện xác thực sau ngày 7-7-2020 theo đó cũng là cơ hội để các tổ chức cung ứng dọn dẹp bớt các ví điện tử không sử dụng, không có dữ liệu người dùng cũng như không kết nối với tài khoản ngân hàng.

 

Theo Văn Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm