Xã hội

Từ hôm nay, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây là một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội khi Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Cùng với đó, hành vi tiểu bậy theo Nghị định (NĐ) nói trên có thể bị phạt từ 150.000-250.000 đồng (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng cùng nhiều ràng buộc khác.

Rác thải do người dân xả bừa bãi trên đường Trường Sa (TP. Pleiku). Ảnh: N.S

Điều 25 của NĐ trên quy định phạt tiền từ 100.000-150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước mặt; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông suối, biển. Phạt từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

Nghị định nâng mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến phà, bến cảng và khu vực công cộng khác khi không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định.

Trong khi đó, mức phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Và mức phạt từ 200-250 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, ngày 25-8 là thời điểm NĐ có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài, cũng như Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1-1-2022. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai hướng dẫn thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện của địa phương, lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024. Đến thời điểm đó, nếu không phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

THẤT SƠN (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm