Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tư liệu quý để nghiên cứu sắc phong thần ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quá trình tìm kiếm di sản tư liệu Gia Lai, chúng tôi tình cờ bắt gặp 2 đạo sắc phong thần tỉnh Bình Định do một nhà sưu tập cổ vật tại TP. Hồ Chí Minh lưu giữ.

Đạo thứ nhất hợp phong cho thần Bạch mã và Thành hoàng làng Hòa Cư thời Vua Đồng Khánh. Đạo thứ hai hợp phong cho thần Cao Các, Bạch mã và Thành hoàng làng Thuận An thời Vua Duy Tân. Đây là những tư liệu quý giúp nghiên cứu, phục chế đạo sắc năm 1887 đã mất tại đình An Khê.

Đạo sắc cấp cho làng Thuận An (năm 1911) là tư liệu quý để nghiên cứu sắc phong thần ở Gia Lai. Ảnh: L.H.S

Đạo sắc cấp cho làng Thuận An (năm 1911) là tư liệu quý để nghiên cứu sắc phong thần ở Gia Lai. Ảnh: L.H.S

Đạo sắc thứ nhất cấp cho làng Hòa Cư năm 1887 thời Vua Đồng Khánh, phong cho thần Bạch mã. Sắc còn khá nguyên vẹn, chất liệu giấy dó tinh luyện chuyên dụng màu vàng nhạt, kích thước 125 cm x 50 cm. Đồ án trung tâm mặt trước sắc là hình rồng cưỡi mây, văn tự còn đầy đủ, rõ ràng.

Mặt sau sắc trang trí đơn giản với lề trái và viền hồi văn chữ “vạn” lớn, 3 lề còn lại chỉ kẻ đơn. Trung tâm là đồ án 2 chữ “thọ” xếp trong hình chữ nhật đứng so le và song song nhau, bên phải là hình dây tua cuộn tàu lá chuối, bên trái là hình dây tua cuộn hòm sách. Các hoa văn và đồ án trang trí trên mặt trước và mặt sau sắc vốn được vẽ bằng mực ở lớp dưới, sau đó vẽ chồng lên một lớp nhũ bạc tạo độ sáng đẹp và trang trọng cho sắc. Đến nay, lớp nhũ bạc này đã gần như bay hết, chỉ còn lại vài điểm rất nhỏ.

Dịch nghĩa toàn văn như sau: “Sắc phong tặng ngài Dương uy-Ngự vũ-Bảo chướng-Kiện thuận-Hòa nhu-Hàm quang Bạch mã, bậc Thượng đẳng thần và ngài Bảo an-Chánh trực-Hựu thiện-Đôn ngưng Bản cảnh Thành hoàng, bậc Chi thần. Các ngài giúp nước đỡ dân, tỏ rõ linh ứng, đã được cấp tặng sắc phong để thờ phụng. Nay ta lãnh mệnh lớn, nghĩ đến ân đức các ngài, tặng các ngài thêm mỹ tự: Dực bảo-Trung hưng. Chuẩn cho thôn Hòa Cư, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định thờ phụng theo lệ cũ. Các ngài hãy che chở cho con dân của ta. Nay sắc. Ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (tức 1887)”.

Đạo sắc thứ hai cấp cho làng Thuận An năm 1911 thời Vua Duy Tân, hợp phong cho 3 vị thần: Cao Các, Bạch mã, Thành hoàng. Hoa văn, đồ án trang trí sắc Thuận An cũng đại khái giống sắc Hòa Cư, chỉ khác ở kích thước chiều dài lòng sắc. Theo đó, chỗ lề trái nguyên bản khoảng trống ngoài lòng sắc Thuận An là 10 cm và màu sắc vàng sậm hơn.

Về tình trạng, sắc Thuận An bị hư hại khá trầm trọng. Lòng sắc và các mép, viền quanh đều mọt rách lỗ chỗ, các viền bị dán băng keo dính trong, phần trống lề trái đã bị xén dán vá vào mảng rách từ mặt sau.

Dịch nghĩa toàn văn như sau: “Sắc cho thôn Thuận An thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định thờ phụng các ngài Cao Các, Bạch mã, Thành hoàng. Các thần giúp nước đỡ dân, tỏ rõ linh ứng đã lâu mà trước đây chưa được cấp sắc phong tặng. Nay ta lãnh mệnh lớn, nghĩ đến ân đức các ngài, phong tặng thần Cao Các danh hiệu: Hoằng mô-Vĩ lược-Đôn hậu-Phù hựu-Trạc dương-Trác vĩ-Dực bảo-Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần, phong tặng thần Bạch mã danh hiệu: Đôn ngưng-Dực bảo-Trung hưng, bậc Chi thần, phong tặng thần Bản cảnh Thành hoàng danh hiệu: Bảo an-Chánh trực-Hựu thiện-Đôn ngưng-Dực bảo-Trung hưng, bậc Chi thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Các ngài hãy che chở cho con dân của ta. Nay sắc. Ngày mùng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân 5 (tức 1911)”.

Xem cấu trúc phần nội dung sắc Thuận An thì thấy có sự khác biệt so với sắc Hòa Cư thời trước. Theo đó, phần địa danh thời Đồng Khánh nằm ở sau, còn thời Duy Tân được đưa lên phía trước. Hiện tượng đảo trật tự này không phải cá biệt, chúng ta có thể cũng bắt gặp ngay trong sắc phong tại các niên đại khác nhau cùng niên hiệu Tự Đức.

Do chưa có điều kiện khảo sát thực địa, chúng tôi kiểm tra dữ liệu các làng xã, đình miếu Bình Định hiện tại qua các trang thông tin điện tử. Theo đó, đối với đạo sắc thứ nhất, chúng tôi tra từ khóa “đình Hòa Cư” thì không thấy, nhưng khi thay bằng từ khóa “thôn Hòa Cư” lại cho một số kết quả đáng chú ý.

Tại mục “Danh nhân Bình Định” thuộc trang https://baobinhdinh.vn/ có đoạn viết về Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869-?) “người làng Hòa Cư, huyện Tuy Viễn, nay là thôn Hòa Cư, xã Nhơn Ân, An Nhơn”. Vậy, nếu đình Hòa Cư nay không còn thì tên thôn vẫn được giữ. Đối với đạo sắc thứ hai, niên đại muộn hơn, nhưng việc tra tìm địa danh trong sắc lại gặp khó khăn. Tra cứu từ internet chỉ thấy từ khóa “thôn Thuận An”, “nhà văn hóa thôn Thuận An” hiện thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.

Trong 2 đạo sắc trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đạo sắc năm 1887, bởi hiện nay, trong số các sắc phong thần ở Gia Lai, có 2 đạo sắc ở đình An Khê thuộc Quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo đã không còn văn bản gốc, gồm 1 đạo cấp vào năm Tự Đức thứ 5 (tức năm 1852) và 1 đạo cấp vào năm Đồng Khánh thứ 2 (tức năm 1887).

Một trong những căn cứ quan trọng nhất của việc nghiên cứu, phục chế sắc phong đã mất như sắc phong Đồng Khánh ở đình An Khê là cần phải tìm các văn bản hiện vật đồng đại để tham khảo đối chiếu. Vì vậy, việc tìm thấy và tiếp cận với đạo sắc phong thần năm 1887 cấp cho làng Hòa Cư ở Bình Định thời Vua Đồng Khánh có ý nghĩa rất quan trọng.

Sắc phong thần là bảo vật của một cộng đồng làng xã Việt Nam trước năm 1945, mang nhiều giá trị thông tin lịch sử, văn hóa. Sắc thần vừa là biểu tượng cho sự hiện diện của các vị thần linh bảo trợ che chở cho dân làng vừa là biểu tượng cho sự hiện diện của nhà vua-người đứng đầu đất nước.

Vì thế, sắc thần luôn được gìn giữ cẩn thận, đặt trong đình làng hoặc giao cho người có uy tín trong ban quản lý đình cất giữ. Việc được cấp sắc phong thần là một sự kiện, niềm vinh dự và tự hào lớn của cộng đồng, làng xã.

Ngày nay, theo sự thay đổi của lịch sử và xã hội, nhiều ngôi đình đã bị xóa sổ khiến môi trường sống của sắc phong thần theo đó bị thu hẹp. Một số đạo sắc “không nhà” trôi dạt vào tay các nhà sưu tập cổ vật, thậm chí bị bán ra nước ngoài gây tổn thất lớn cho kho tàng di sản tư liệu chữ viết của nước ta.

Để tránh vấn nạn này, thiết nghĩ trước hết, các đình làng được cấp sắc cần có kế hoạch bảo vệ bảo vật của mình tốt hơn với sự tham gia hỗ trợ từ chính quyền địa phương; các bảo tàng địa phương cần có trách nhiệm hơn trong việc tích cực tìm kiếm quy tập sắc thần, sắc nào còn đình thì đưa về đình, sắc nào mất đình thì đưa về bảo quản trưng bày tại bảo tàng.

Có thể bạn quan tâm