Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Từ một người có não bị ảnh hưởng nay trở thành chàng trai sáng tạo nội dung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lúc chưa đầy 2 tuổi, Ngô Văn Hiếu (25 tuổi, ngụ ở thôn Hà An, xã Điện Phong, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã không may trở thành người khuyết tật khi cùng lúc bị động kinh, bại liệt, cơ thể co rút, não bị ảnh hưởng…

Nhưng với nghị lực phi thường, Hiếu không buông xuôi số phận, chiến thắng nghịch cảnh để trở thành chàng trai truyền cảm hứng.

"Chẳng khả thi, không hy vọng"

Anh Ngô Văn Sơn (52 tuổi), ba của Hiếu không thể kiềm nén cảm xúc, bật khóc khi trong tâm trí hiện về những tháng năm đầu tiên mà đứa con khuyết tật lọt lòng. Hai vợ chồng anh Sơn nước mắt lưng tròng bởi chứng kiến Hiếu không may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Cơ thể bại liệt, ngày càng teo tóp. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ ba mẹ. Muốn di chuyển, Hiếu cần được bồng bế.

Giọng trầm buồn, anh Sơn kể hai vợ chồng đã suy sụp khi thấy con bệnh tật. "Nhưng mình sinh ra thì phải chịu. Dù có khóc nhiều, nhưng rồi tự an ủi bản thân. Chúng tôi không nản. Không bao giờ nản", anh Sơn nghẹn giọng khi nhớ lại nỗ lực chạy chữa cho con.

Hiếu là người khuyết tật từ nhỏ, khi cùng lúc bị động kinh, bại liệt, cơ thể co rút, não bị ảnh hưởng… Ảnh Thanh Nam

Hiếu là người khuyết tật từ nhỏ, khi cùng lúc bị động kinh, bại liệt, cơ thể co rút, não bị ảnh hưởng… Ảnh Thanh Nam

Người cha bật khóc kể hành trình 'mỹ mãn' cùng con trai: Kỳ tích được bồi đắp từ tình thương

Có bao nhiêu tình yêu thương, tiền bạc, thời gian, tâm sức, anh Sơn cùng vợ góp gom tất cả để dành cho con. Suốt cả nhiều năm dài đằng đẵng, hai vợ chồng ẵm Hiếu đi khắp nơi để chữa trị kèm hy vọng "phước chủ may thầy". "Đưa con đi mọi nơi để chạy chữa. Chỗ nào cũng đi", anh Sơn kể nhưng thừa nhận không có nhiều hy vọng: "Ngày đó nghĩ mọi cứu chữa không khả thi. Đến năm 10 tuổi, Hiếu vẫn chưa đi được".

Trí tuệ Hiếu phát triển chậm, thể trạng yếu, cơ thể bị co rút… suốt nhiều năm ròng rã, khiến mọi người, có cả người thân đều không có niềm tin Hiếu sẽ khỏe mạnh, bình thường như những đứa trẻ khác.

Thế nhưng một ngã rẽ đã giúp cuộc đời Hiếu bước sang trang mới. Đó là khi anh Sơn đưa Hiếu đến gửi gắm ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Kỳ Anh (do Quỹ Kỳ Anh, Kianh Foundation tài trợ - PV).

Hiếu tự học cách quay video. Ảnh Thanh Nam

Hiếu tự học cách quay video. Ảnh Thanh Nam

Với sự hướng dẫn, quan tâm, nuôi dạy nhiệt tình từ nhân viên của trung tâm, Hiếu dần hồi phục. Hiếu được hỗ trợ trị liệu. Hiếu biết chữ, biết viết. Hiếu có thêm những kỹ năng sống. Nhờ ham học hỏi, Hiếu trở thành một trong những học sinh ưu tú nhất của trung tâm.

"Với tôi, khoảnh khắc mừng nhất là khi được trung tâm… trả Hiếu về gia đình. Đó là năm Hiếu 18 tuổi. Càng mừng và phấn khởi hơn khi cô Jackie Wrafter (người Pháp, sáng lập và điều hành Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Kỳ Anh – PV) thấy khả năng của Hiếu, nhận Hiếu vào làm việc tại trung tâm với đầy đủ chế độ phúc lợi, có mức lương gần 4 triệu đồng/tháng", anh Sơn nhớ lại.

Đó cũng là phút giây mà vợ chồng anh Sơn hiểu rằng con trai mình đã bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống, đã có thể tự chăm sóc bản thân, không phải suốt đời phụ thuộc vào người khác. Là những điều mà vợ chồng anh từng chẳng dám mơ.

"So với trước đây, bây giờ Hiếu đã tiến triển hơn 70%", anh Sơn kể trong ánh mắt đầy tràn niềm vui.

Hiếu (đứng) rủ thêm những người bạn cùng hoàn cảnh, lập nhóm khởi sự kinh doanh. Ảnh Thanh Nam

Hiếu (đứng) rủ thêm những người bạn cùng hoàn cảnh, lập nhóm khởi sự kinh doanh. Ảnh Thanh Nam

Truyền cảm hứng

Từ một người cần được chăm sóc, hỗ trợ để trụ vững trong cuộc sống, giờ đây Hiếu trở thành nhân vật truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là người yếu thế, khiếm khuyết cơ thể.

Hiếu tự mày mò cách sử dụng máy vi tính, điện thoại. Hiếu tự học cách quay video. Hiếu nghiên cứu cách trở thành người sáng tạo nội dung… Và rồi đến nay, Hiếu có gần 100.000 người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, YouTube.

Suốt nhiều năm qua, chàng trai này thường xuyên tổ chức các buổi livestream về chủ đề nghị lực sống, cách để vượt qua thời điểm khó khăn, bế tắc… thu hút đông đảo người xem. Dẫu vẫn còn khó khăn trong việc nói, chuyển tải cảm xúc, nhưng những câu từ và sự chân thật của Hiếu làm rung động, chiếm cảm tình tuyệt đối từ người nghe. Cũng từ những buổi livestream này, không ít mảnh đời có hoàn cảnh trớ trêu, số phận nghiệt ngã đã trở nên mạnh mẽ hơn để chiến thắng nghịch cảnh, giống như cách mà Hiếu đã từng. Còn người bình thường, sau khi xem, đã học được từ Hiếu về nghị lực sống, vững tin trước mọi tình huống khó khăn...

Chàng trai này đã chiến thắng nghịch cảnh nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Ảnh Thanh Nam

Chàng trai này đã chiến thắng nghịch cảnh nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Ảnh Thanh Nam

Có một câu chuyện rất dễ thương, đó là Hiếu tìm những người khuyết tật để lập nhóm khởi sự kinh doanh. Hiếu làm trưởng nhóm. Các thành viên còn lại, người bị bại não, người bại liệt, người thì mất cánh tay… Mỗi người có những hoàn cảnh éo le khác nhau, nhưng chung chí hướng "lựa chọn cuộc sống tích cực, trao giá trị cộng đồng, cùng nhau viết tiếp ước mơ". Họ quyết định hợp sức để bù trừ những khuyết điểm của nhau với nhiều hy vọng, hoài bão sẽ thành công trong việc kinh doanh.

Hỏi Hiếu: "Đâu là câu nói truyền động lực cho bản thân?". Hiếu trả lời: "Đó là câu "tàn nhưng không phế".

Chàng trai khuyết tật này cũng bộc bạch chuyện đôi khi trong quá trình livestream đã phải nhận được những bình luận tiêu cực. Dẫu vậy, Hiếu không quá buồn hay bỏ cuộc bởi một lẽ đơn giản: "Đối diện với những bình luận không vui thì ai làm sáng tạo nội dung cũng từng hứng chịu. Em cũng vậy. Khi đó, em đã nghĩ đến lý do gì khiến bản thân bắt đầu làm. Nếu bỏ cuộc thì không còn ý nghĩa", Hiếu thổ lộ. Trên Facebook cá nhân, Hiếu cũng đăng tải câu nói làm động lực cho bản thân, rằng: "Mơ ước của bạn còn ở phía trước, đừng bỏ cuộc vì lời nói của họ".

Hiếu trong một buổi livestream. Ảnh Thanh Nam
Hiếu trong một buổi livestream. Ảnh Thanh Nam

Anh Văn Công Vương (31 tuổi, cùng nhóm khởi sự kinh doanh với Hiếu) cho biết: "Hiếu có tư duy tốt, trách nhiệm, suy nghĩ tích cực và không muốn dậm chân tại chỗ. Hiếu có nghị lực muốn tự nuôi sống bản thân, hỗ trợ cho các bạn khác, đồng cảm với những người cùng số phận. Tôi học được từ Hiếu về nghị lực không bỏ cuộc".

Anh Ngô Văn Sơn, ba Hiếu, chia sẻ: "Tôi không cần gì cả. Chỉ mong Hiếu có sức khỏe, tự kiếm sống, không phải nhờ đỡ đến ai nữa. Đó cũng là ước mơ lớn nhất của tôi".

Theo Thanh Nam (TNO)

Có thể bạn quan tâm